Áp dụng IFRS: Bài 1 - Ghi nhận suy giảm giá trị tài sản của doanh nghiệp theo IAS 36 - các vấn đề thực tiễn áp dụng

Trong giai đoạn nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID - 19, giá trị tài sản của doanh nghiệp phản ánh trên Báo cáo Tài chính được lập theo chuẩn mực Kế toán Việt Nam và theo chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) sẽ có sự khác biệt rất lớn.

Trong bối cảnh Covid-19 lan rộng và gây thiệt hại đáng kể đến tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, sẽ khó tránh khỏi việc tồn tại các dấu hiệu về sự suy giảm giá trị của các tài sản đang ghi nhận trên sổ sách của doanh nghiệp. Chuẩn mực Kế toán Quốc tế IAS 36 – Suy giảm giá trị tài sản được ban hành bởi Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Quốc tế IASB từ năm 1998 có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh hiện nay. Với mục tiêu đảm bảo giá trị tài sản phản ánh trên Báo cáo Tài chính (BCTC) của doanh nghiệp không được ghi nhận cao hơn giá trị có thể thu hồi được thông qua việc sử dụng hay bán các tài sản này, một khi giá trị có thể thu hồi được thấp hơn so với giá trị sổ sách, thì các tài sản này được coi là bị suy giảm giá trị, lúc này doanh nghiệp phải tính toán và phản ánh khoản lỗ do suy giảm giá trị này trên BCTC.

Trong khi đó, chuẩn mực Kế toán Việt Nam (VAS) chưa có quy định nào liên quan đến vấn đề này. Hiện nay, việc ghi nhận và phản ánh các khoản mục tài sản dài hạn trên BCTC của các doanh nghiệp Việt Nam được thực hiện theo nguyên tắc giá gốc, tức là tài sản ghi nhận theo nguyên giá trừ đi khấu hao lũy kế được phân bổ theo thời gian sử dụng hữu ích của tài sản mà không phản ảnh bất kỳ khoản lỗ nào từ việc suy giảm giá trị tài sản. Điều này đặt ra câu hỏi về tính hợp lý của việc trình bày thông tin trên BCTC tại các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Ví dụ minh họa sau đây sẽ làm rõ ảnh hưởng của sự khác biệt giữa hai chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) và chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS):

Công ty A thực hiện gia công đồ may mặc cho công ty mẹ ở nước ngoài, hiện tại hạch toán theo VAS và chuyển đổi sang IFRS cho mục đích gửi báo cáo cho Tập đoàn. Công ty A có 1 dây chuyền sản xuất với nguyên giá 50 tỷ VND và thời gian sử dụng ước tính là 20 năm. Tại thời điểm 31/12/2020, giá trị khấu hao lũy kế là 20 tỷ VND. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid, công ty đã tạm dừng sản xuất do giản cách, ước tính trong hai năm tới, năng lực gia công cũng giảm sút do giảm đơn hàng gia công từ công ty mẹ. Công ty đã điều chỉnh các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận trong ngân sách hai năm tới. Tại ngày 31/12/2020, Ban giám đốc công ty đánh giá hiệu suất của dây chuyền sản xuất không như kỳ vọng, vì vậy, công ty tính toán giá trị có thể thu hồi của dây chuyền là 25 tỷ VND. Tương ứng, khoản lỗ do suy giảm giá trị tài sản là 5 tỷ VND. Thông tin trình bày trên Báo cáo Tài chính VAS và IFRS như sau: 

Thông tin

VAS (tỷ VND)

IFRS (tỷ VND)

Nguyên giá

 50

 50

Khấu hao lũy kế

 (20)

 (20)

Suy giảm giá trị

 -

 (5)

Giá trị còn lại

 30

 25