Áp dụng IFRS: Bài 2: Trình bày tiền lương và phúc lợi cho người lao động trong BCTC sẽ thay đổi như nào khi áp dụng IFRS?
Liên quan đến tiền lương, phúc lợi trả cho người lao động, việc áp dụng IFRS có thể tạo ra những khác biệt đáng kể trong kết quả kinh doanh và tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Bài 1 của chủ đề này đã phân tích những vấn đề cần lưu ý khi doanh nghiệp chuyển đổi từ Chuẩn mực Kế toán Việt Nam (VAS) sang áp dụng Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) liên quan tới tiền lương, thưởng và phúc lợi ngắn hạn cho người lao động. Bài dưới đây phân tích các vấn đề trong việc chuyển đổi từ VAS sang IFRS liên quan đến các khoản đóng góp của người sử dụng lao động liên quan đến phúc lợi cho người lao động sau khi nghỉ hưu, trợ cấp thôi việc và các khoản thanh toán dựa trên cổ phiếu.
Các khoản đóng góp của người sử dụng lao động liên quan đến phúc lợi cho người lao động sau khi nghỉ hưu
Tại Việt Nam, các khoản đóng góp của người sử dụng lao động liên quan đến phúc lợi sau khi nghỉ hưu chủ yếu bao gồm phần đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm y tế theo luật định hoặc, trong một số trường hợp hợp hiếm gặp, các khoản đóng góp bổ sung khác theo thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động.
Theo các Chuẩn mực Kế toán và Chế độ Kế toán Việt Nam (VAS), các khoản đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm y tế theo luật định được ghi nhận vào chi phí sản xuất kinh doanh khi nghĩa vụ đóng góp phát sinh. VAS không có quy định cụ thể đối với các khoản đóng góp quỹ phúc lợi sau khi nghỉ hưu khác do doanh nghiệp tự lập hoặc các khoản phúc lợi nghỉ hưu mà doanh nghiệp cam kết cung cấp cho người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động. Các khoản phúc lợi này hiện không phổ biến tại Việt Nam tuy vậy khá phổ biến trên thế giới.
Còn theo IFRS, các chương trình phúc lợi sau khi nghỉ hưu được chia thành 2 loại. Thứ nhất là chương trình phúc lợi với nghĩa vụ đóng góp của người sử dụng lao động được xác định (người lao động không cam kết mức lợi ích cụ thể mà người lao động sẽ nhận được sau khi nghỉ hưu). Các khoản đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm y tế theo luật định thuộc về loại này. Việc áp dụng IFRS không tạo sự khác biệt trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp đối với loại chương trình phúc lợi này.
Loại thứ hai là chương trình phúc lợi với lợi ích cho người lao động sau khi nghỉ hưu được người sử dụng lao động cam kết. Khi áp dụng IFRS đối với loại hình này, việc nghi nhận nghĩa vụ của doanh nghiệp sử dụng lao động và khoản chi phí có liên quan cho từng kỳ được thực hiện theo mô hình tài chính sử dụng lý thuyết xác suất, thống kê kết hợp với chiết khấu dòng tiền. Doanh nghiệp thường phải sử dụng chuyên gia để thực hiện mô hình tài chính như vậy. Do VAS chưa có quy định cho loại hình này, khi áp dụng IFRS, doanh nghiệp có chương trình phúc lợi cho người lao động thuộc loại này cần đánh giá xem chính sách kế toán được doanh nghiệp áp dụng có khoảng cách như thế nào so với yêu cầu IFRS và có cần thuê chuyên gia để thực hiện mô hình tài chính nêu trên hay không.
Trợ cấp thôi việc
Trợ cấp thôi việc là khoản phúc lợi bắt buộc mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động theo quy định tại điều 46 Bộ Luật Lao động.
VAS có đề cập đến việc lập dự phòng trợ cấp thôi việc nhưng không quy định cụ thể về xác định giá trị nghĩa vụ nợ của người sử dụng lao động và khoản chi phí liên quan. Điều này dẫn đến việc diễn giải và áp dụng không nhất quán trên thực tế trong việc lập báo cáo tài chính.
Theo IFRS, khoản trợ cấp thôi việc như được quy định tại điều 46 Bộ Luật Lao động được xem là một khoản phúc lợi sau khi chấm dứt hợp đồng theo luật định mà người sử dụng lao động có nghĩa vụ phải thanh toán. Giá trị khoản nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp và chi phí liên quan cho từng kỳ được xác định theo mô hình tài chính sử dụng lý thuyết xác suất, thống kê, kết hợp với chiết khấu dòng tiền tương tự như đối với chương trình phúc lợi với lợi ích cho người lao động sau khi nghỉ hưu được người sử dụng lao động cam kết như đề cập ở trên.
Các khoản thanh toán dựa trên cổ phiếu
Hiện nay tại Việt Nam đã có một số công ty cổ phần có chương trình phúc lợi cho người lao động dựa trên cổ phiếu nhằm khuyến khích người lao động hướng tới việc nâng cao giá trị cho cổ đông. Những chương trình này có thể có nhiều hình thức và các chế độ đa dạng nhưng có điểm chung là khoản thanh toán cho người lao động (lương, thưởng hoặc phúc lợi) là bằng cổ phiếu của chính doanh nghiệp, công cụ tài chính phái sinh liên quan hoặc khoản tiền có mối liên hệ với giá cổ phiếu.
VAS hiện tại chưa có quy định cụ thể cho những giao dịch này. Do vậy trên thực tế báo cáo tài chính của doanh nghiệp có những chương trình này thường không phản ánh đầy đủ những ảnh hưởng kinh tế của giao dịch ví dụ khoản chi phí ẩn của doanh nghiệp do phát hành cổ phiếu cho người lao động với giá thấp hơn giá thị trường thường không được ghi nhận trên báo cáo tài chính do các doanh nghiệp thường hạch toán cổ phiếu thưởng phát hành cho người lao động theo giá danh nghĩa, và chỉ ghi nhận tại thời điểm phát hành.
Khi áp dụng IFRS, doanh nghiệp phải ghi nhận (vào chi phí sản xuất kinh doanh) giá trị của công việc người lao động đã thực hiện trong kỳ cho phép họ nhận được lợi ích (cổ phiếu) liên quan. Đối với giao dịch được doanh nghiệp thanh toán cho người lao động thực tế bằng cổ phiếu (hoặc công cụ vốn chủ sở hữu khác), doanh nghiệp ghi nhận khoản tăng vốn chủ sở hữu tương ứng. Còn đối với giao dịch được doanh nghiệp thanh toán thực tế bằng tiền (căn cứ trên giá cổ phiếu), doanh nghiệp ghi nhận một khoản nợ phải trả tương ứng.
Thông thường giá trị của công việc mà người lao động đã thực hiện cần được ghi nhận theo giá trị hợp lý của cổ phiếu (hoặc công cụ vốn chủ sở hữu khác) hoặc giá trị hợp lý của khoản nợ phải trả do thanh toán bằng tiền chứ không phải theo giá danh nghĩa của cổ phiếu phát hành cho người lao động. Điều này sẽ dẫn tới việc doanh nghiệp ghi nhận khoản chi phí lớn hơn khi áp dụng IFRS và làm giảm lợi nhuận báo cáo.
Việc xác định giá trị hợp lý có thể là một công việc phức tạp và tốn kém nguồn lực trừ khi cổ phiếu (hoặc công cụ tài chính khác) được niêm yết trên một thị trường hoạt động để có thể sử dụng giá niêm yết mà không cần điều chỉnh.
Ngoài ra, việc phân bổ giá trị giao dịch để ghi nhận vào chi phí cho mỗi kỳ kế toán cũng có thể bao hàm những ước tính kế toán có yếu tố không chắc chắn.
Qua những nội dung đã phân tích, có thể thấy rằng trong phạm vi những nghiệp vụ kinh tế liên quan đến tiền lương, phúc lợi trả cho người lao động, việc áp dụng IFRS có thể tạo ra những khác biệt đáng kể trong kết quả kinh doanh và tình hình tài chính của doanh nghiệp được thể hiện trên báo cáo tài chính. Bên cạnh các vấn đề mang tính chất kỹ thuật nhằm tuân thủ các quy định của IFRS, việc phản ánh đầy đủ và hợp lý hơn các chi phí liên quan đến tiền lương, phúc lợi trả cho người lao động có thể tạo ra những động lực làm thay đổi cơ chế lương, thưởng và phúc lợi cho người lao động. Lãnh đạo doanh nghiệp có thể quản lý những thay đổi này hữu hiệu hơn nếu đánh giá được những ảnh hưởng này trước khi triển khai áp dụng IFRS.
Đọc thêm các bài phân tích khác về việc áp dụng IFRS tại Việt Nam tại IFRS Academy.
Bài viết liên quan
Kết nối với chúng tôi
Lâm Thị Ngọc Hảo
Thành viên Điều hành, Trưởng Bộ phận Tư vấn Chuyển đổi doanh nghiệp
KPMG Việt Nam