KPMG NEXT 2022: Hội nhập vào Chuỗi Giá trị Toàn cầu — Lộ trình cho Doanh nghiệp Tư nhân tại Việt Nam

Ngày 18 tháng 8 năm 2022, KPMG Việt Nam đã tổ chức sự kiện khai mạc chương trình KPMG NEXT mùa thứ 7 với chủ đề “Hội nhập vào Chuỗi giá trị Toàn cầu – Lộ trình cho Doanh nghiệp Tư nhân tại Việt Nam”

Sự kiện với chủ đề “Ngành Sản xuất Công nghiệp Việt: Vị thế hiện tại và tương lai trong Chuỗi giá trị toàn cầu” đã quy tụ nhiều chuyên gia, đại diện cấp cao từ KPMG cùng với lãnh đạo các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tiêu biểu như Greenfeed, Viet Thang Jean, và AKA Furniture.

Các số liệu nghiên cứu cho thấy thực cảnh của ngành sản xuất công nghiệp Việt Nam vẫn còn chưa có nhiều đóng góp có giá trị gia tăng cao cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Dù vậy nghành sản xuất công nghiệp của Viêt Nam vẫn có dư địa tăng trưởng mạnh  do các lợi thế đến từ sự ổn định chính trị, mặt bằng nhân lực trr và dồi dào, vị trí địa lý, và các tác động từ dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhìn nhận thực tế này song song với các dẫn chứng số liệu và nghiên cứu từ các cường quốc sản xuất công nghiệp phát triển trong khu vực như Trung Quốc và Đài Loan, phiên thuyết trình và thảo luận đưa ra các bài học và lộ trình cho nghành sản xuất công nghiệp của Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Tuấn Hồng Phúc, Trưởng bộ phận Tư vấn và Chiến lược Khách hàng và Chuỗi cung ứng tại KPMG Việt Nam, một tiến trình phát triển của nghành sản xuất công nghiệp trải qua 4 giai đoạn gia tăng về về tỷ lệ nội địa hóa giá trị sản phẩm xuất khẩu, hàm lượng công nghệ và chất xám, và chất lượng cơ sở hạ tầng công nghiệp bao gồm chuỗi cung ứng. Dựa trên tiêu chí đánh giá này thì nghành sản xuất công nghiệp Việt Nam đang ở giai đoạn 2 với các đặc điểm là tập trung sản xuất chủ yếu các nhóm sản phẩm có giá trị nội địa ở múc trung bình, hàm lượng công nghệ thấp, sử dụng nhiều lao động có tay nghề trung bình, và tổng thể cơ sở hạ tầng công nghiệp chưa hoàn thiện.

Việc thúc đẩy chuyển đổi nền sản xuất công nghiệp lên một giai đoạn tiến hóa cao hơn không chỉ nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp của nền kinh tế nói chung mà còn mở ra những cơ hội tiềm năng cho các doanh nghiệp làm chủ năng lực cạnh tranh bền vững

Ông Nguyễn Tuấn Hồng Phúc
Trưởng bộ phận Tư vấn và Chiến lược Khách hàng
và Chuỗi cung ứng tại KPMG Việt Nam

Bên cạnh việc phân tích lộ trình nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng, nội dung sự kiện cũng đi sâu thảo luận về xu hướng Môi trường, Quản trị & Xã hội (ESG) trong việc xây dựng chuỗi cung ứng bền vững. Ông Nguyễn Chí Hiếu, Giám đốc bộ phận Tư vấn ESG tại KPMG Việt Nam cho rằng các yếu tố ESG có ảnh hưởng sâu rộng tới mọi doanh nghiệp sản xuất.

Về cơ bản, hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đều có yếu tố thâm dụng tài nguyên, do vậy việc tích hợp các yếu tố ESG vào mô hình kinh doanh, chiến lược phát triển của doanh nghiệp trở nên tiên quyết hơn bao giờ hết để đảm bảo năng lực cạnh tranh bền vững. Thực tế cho thấy càng ngày càng có nhiều yêu cầu từ cơ quan chức năng, khách hàng, đối tác, nhân viên, và các chủ thể xã hội về việc cụ thể hóa và minh bạch hóa chiến lược ESG của doanh nghiệp. Do vậy doanh nghiệp cần chú trọng cân bằng lợi ích kinh tế lâu dài với trách nhiệm xã hội, môi trường và quản trị minh bạch không chỉ để đáp ứng các vấn đề về tuân thủ, mà còn đảm bảo tính bền vững của hoạt động kinh doanh sản xuất.

Trong phần phát biểu của mình, ông Hiếu cũng đề cập tới tầm quan trọng của giảm thiểu rủi ro ESG trong chuỗi cung ứng, nhất là trong thời điểm thế giới đang có những biến đổi khó lường, đòi hỏi khả năng thích ứng cao của các doanh nghiệp. “Tập trung vào các yếu tố ESG của quản lý chuỗi cung ứng không còn chỉ là một chiến lược truyền thông mà là một chiến lược cần thiết để doanh nghiệp phát triển mạnh hơn khi nền kinh tế toàn cầu đang dịch chuyển nhanh về hướng ngày càng minh bạch hơn.” – ông Hiếu chia sẻ. Bản thân ông và đội ngũ tư vấn từ KPMG luôn đề cao những giải pháp mang tính chiến lược, tối ưu hóa các giá trị bền vững và xem xét, đánh giá kỹ lưỡng các rủi ro tiềm ẩn.  

Cũng trong sự kiện, phiên thảo luận “Xu hướng trong ngành Sản xuất Công nghiệp tại Việt Nam và các yếu tố thành công chính” với sự tham gia của lãnh đạo các doanh nghiệp Greenfield, Viet Thang Jean, và AKA Furniture đã diễn ra vô cùng sôi nổi. Phát biểu tại phiên thảo luận, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch & Tổng Giám đốc Công ty Việt Thắng Jean nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập chiến lược chuỗi cung ứng phù hợp với từng ngành nghề. Theo ông, khi Việt Thắng Jean lựa chọn đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, doanh nghiệp đã chuẩn bị về máy móc, công nghệ kỹ lưỡng cũng như kế hoạch quản lý các rủi ro trong thời điểm bất ổn hiện tại.

Đại diện doanh nghiệp khác – ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch & Tổng Giám đốc Công ty Nội thất AKA, thành viên Tập đoàn AA – tập trung nhiều hơn vào việc đa dạng hóa đầu ra qua nhiều thương hiệu khác nhau để và “làm chủ chuỗi cung ứng”. Ông chia sẻ câu chuyện của Tập đoàn về xem xét năng lực nội tại hiện thời và cạnh tranh từ ngoài môi trường để vạch ra chiến lược về sản phẩm, chuỗi cung ứng phù hợp.

Đồng tình với ý kiến này, ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Phát triển Bền vững tại Công ty Greenfeed Việt Nam, chia sẻ về thế chủ động trong chuỗi cung ứng đã giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội trong khó khăn để phát triển. 

Greenfeed đã tận dụng được những lợi thế nội tại về chuỗi cung ứng khép kín để vươn lên trong thời điểm chuỗi cung ứng của đối thủ bị đứt gãy. Bên cạnh đó việc uyển chuyển và nhanh chóng xây dựng và vận hành nền tảng thương mại điện tử trong thời điểm dịch Covid ở Tp. HCM đã giúp Greenfeed duy trì tăng trưởng tốt.

Ông Phạm Tuấn Anh
Giám đốc Phát triển Bền vững
Công ty Greenfeed Việt Nam

Về chủ đề chung: chuyển đổi số trong doanh nghiệp để thực hiện hiệu quả các chiến lược kinh doanh, phát triển của doanh nghiệp, các diễn giả cũng chia sẻ các câu chuyện cụ thể từ doanh nghiệp mình. Không phải hành trình chuyển đổi số nào cũng thuận lợi. Rất nhiều khó khăn đến từ việc hòa hợp nhu cầu quản trị của doanh nghiệp và lựa chọn các giải pháp phù hợp. Cụ thể là lãnh đạo doanh nghiệp cần nhìn nhận quá trình chuyển đổi số không đơn thuần là việc số hóa quy trình và thông tin, mà chính là giải bài toán quản trị nguồn lực kinh doanh. Do vậy, việc tìm kiếm một đối tác tư vấn và triển khai thích hợp để giúp doanh nghiệp nhìn nhận việc chuyển đổi số từ cả lăng kính kinh doanh và công nghệ là yêu cầu tiên quyết. Đồng cảm với điều này, cựu thành viên KPMG NEXT – bà Nguyễn Việt Hòa, Giám đốc Công ty Dây sợi Rồng Á Châu – cũng chia sẻ câu chuyện 1 thập kỉ cố gắng chuyển đổi số không thành công của doanh nghiệp, rồi “bén duyên” với KPMG và thành công trong việc áp dụng nền tảng ERP của SAP S/4HANA.

Sau sự kiện khai mạc, KPMG và các doanh nghiệp tham dự KPMG NEXT 2022 sẽ tiếp tục cùng đồng hành với nhau qua chuỗi workshop về “Tăng cường năng lực nội tại doanh nghiệp để hội nhập “sân chơi” quốc tế” với các chủ đề chuyên sâu: Quản trị Chuỗi Cung ứng, Quản trị Tài chính, Tối ưu hóa Dòng tiền và Tăng cường Năng lực Thuế diễn ra lần lượt vào ngày 25/8 và 6/9 sắp tới. Tìm hiểu thêm về chương trình tại đây.

Kết nối cùng chúng tôi

KPMG Việt Nam

KPMG là một trong những công ty cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp lớn nhất tại Việt Nam với hơn 1,600 người làm việc tại các văn phòng ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Chúng tôi làm việc với các đồng nghiệp trên khắp Châu Á và toàn thế giới nhằm cung cấp các dịch vụ đa dạng.

KPMG Private Enterprise

KPMG Private Enterprise là một khối dịch vụ được thiết kế và giao nhiệm vụ đặc biệt để phục vụ các yêu cầu của các doanh nghiệp tư nhân tiềm năng.

KPMG Private Enterprise là một mạng lưới toàn cầu bao gồm đội ngũ cố vấn, nguồn lực kiến thức, thông lệ, công cụ và các liên minh cung cấp dịch vụ. Chúng tôi hiểu các thách thức thay đổi theo thời gian của việc điều hành công ty khởi nghiệp và có cùng tư duy kinh doanh với họ.