Với tư cách người đứng đầu bộ phận Tư vấn Chuyển đổi Doanh nghiệp cũng như bộ phận Khách hàng & Thị trường, bà Lâm Thị Ngọc Hảo luôn có mặt nơi tuyến đầu của KPMG Việt Nam trong sứ mệnh hỗ trợ các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh, cố vấn cho họ vượt thử thách thông qua việc lập kế hoạch tỉ mỉ và quản lý sự tăng trưởng một cách hiệu quả. Bà đã mang đến cho độc giả [C] Việt Nam một bài phân tích sắc sảo về những kỳ vọng cho năm 2024, làm rõ bước đi của KPMG và vai trò quan trọng của tính linh hoạt trong chiến lược vận hành.
Lâm Thị Ngọc Hảo bắt đầu hành trình cùng KPMG Việt Nam với vị trí trợ lý kiểm toán, khi bà vừa tốt nghiệp đại học và lúc ấy văn phòng chỉ mới khoảng 50 người. Cho đến ngày chứng kiến công ty phát triển ấn tượng lên hơn 2.000 nhân viên cùng hơn 60 thành viên điều hành, hành trình ấy đã là 25 trong tổng số 30 năm KPMG có mặt tại Việt Nam – một khoảng thời gian gắn bó ngày càng hiếm thấy ở các công ty hiện nay.
“Mọi người dành nhiều năm để làm việc ở KPMG,” bà Hảo nói. “Tôi có cảm giác mọi người thích làm việc ở đây, trở thành một phần của tổ chức; bởi vì KPMG mang đến cho chúng tôi cơ hội để phát triển, học hỏi và được là chính mình.”
Sự phát triển diễn ra cả trên quy mô cá nhân lẫn toàn công ty. Nhìn lại hành trình kéo dài một phần tư thế kỷ cùng công ty tư vấn nổi tiếng, sự trưởng thành trong chuyên môn của bà Hảo cũng nói lên chặng đường đầy ấn tượng của KPMG Việt Nam. Ít người hiểu rõ bối cảnh kinh doanh ở Việt Nam bằng bà Hảo. Với vai trò là đối tác tư vấn, phụ trách mảng tư vấn tại văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, bà tham gia sâu sát vào nhiều yêu cầu kiểm toán độc lập khác nhau. Những yêu cầu này bao gồm kiểm toán theo luật định và kiểm toán báo cáo tài chính hằng năm cho cả khách hàng trong nước lẫn khách hàng đa quốc gia, đòi hỏi phải có hiểu biết sâu sắc về các tiêu chuẩn kế toán Việt Nam, tiêu chuẩn báo cáo tài chính quốc tế cùng các hệ thống doanh nghiệp phức tạp. Bà đóng vai trò chủ chốt trong việc điều phối các chương trình chuyển đổi quy mô lớn và phức tạp cho khách hàng, bao gồm hỗ trợ chiến lược, vận hành hiệu quả, cải tiến chuỗi cung ứng, triển khai CNTT, tái cấu trúc doanh nghiệp và tổ chức, quản lý tài chính. Kiến thức chuyên môn đa dạng đã giúp bà trở thành một nhà tư vấn đáng tin cậy cho các doanh nghiệp đang tìm cách vượt qua quá trình chuyển đổi phức tạp.
Chúng tôi đã có cơ hội trò chuyện với bà Hảo vào dịp cuối năm về văn hóa tại KPMG cùng các xu hướng ngành nghề, cũng là lúc công ty chuẩn bị bước sang năm mới 2024 với sự tự tin khi chuẩn bị cho một sự “phục hồi chậm”.
Đánh giá lại nguồn lực doanh nghiệp
Một điều mà KPMG đã thể hiện rất xuất sắc trong vai trò đơn vị tư vấn toàn cầu đó là KPMG đã giúp giảm thiểu những nỗi sợ lẫn sự lạc quan về tương lai không đúng chỗ của khách hàng. Trong vòng bốn năm trở lại đây, vì một loạt tai ương xảy đến mà thế giới đã chứng kiến những thay đổi chưa từng có về địa chính trị lẫn cơ cấu tổ chức. Cuộc khảo sát CEO Outlook hằng năm của KPMG đã thu thập ý kiến từ 1.325 CEO của 11 nền kinh tế lớn. Những CEO này, chủ yếu đến từ các công ty thuộc nhóm Fortune 500 với doanh thu trên 500 triệu USD, bày tỏ lo ngại về rủi ro chính trị và địa chính trị đang nổi lên như những mối đe dọa lớn nhất đối với sự tăng trưởng kinh doanh. Cuộc khảo sát cũng nêu bật dự đoán của các CEO về những thách thức kéo dài, nhấn mạnh sự cần thiết phải lập kế hoạch chiến lược nhằm giảm tải những gián đoạn trong chuỗi cung ứng và duy trì tính linh hoạt cho bộ máy vận hành.
Bà Hảo đưa ra phân tích so sánh giữa các CEO quốc tế được khảo sát với giới CEO tại Việt Nam mà bà từng tiếp xúc. Dù biết trước những bất ổn trên toàn cầu, bà chỉ ra rằng Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng GDP dương khoảng 5%, với lãi suất và tỷ lệ lạm phát trong tầm kiểm soát. Dù vậy, bà Hảo cũng lưu ý về những thách thức cụ thể theo ngành, chẳng hạn như những thay đổi trong chính sách về đầu tư nước ngoài, những bất ổn trong ngành bất động sản và các ngành liên quan do sự thay đổi kinh tế trong nước và trên thế giới.
Tại Việt Nam, nhiều chuyên gia kinh tế tin rằng sự phục hồi sẽ bắt đầu vào Quý 3/Quý 4 năm sau. Các chỉ số vĩ mô ở Việt Nam tốt hơn các nước khác. Sự tự tin ở đây lớn hơn nhiều so với trên thế giới, một phần nhờ Chính phủ có nhận thức và phản ứng nhanh chóng để bảo vệ nền kinh tế. Nhưng tôi nghĩ việc phục hồi sẽ diễn ra chậm. Tôi dự đoán rằng những công ty quản trị tốt hơn và có các kế hoạch dự phòng vẫn sẽ trụ vững.
Kết quả khảo sát và kinh nghiệm thực tế của bà Hảo đều công nhận tầm quan trọng của khả năng thích ứng, khả năng quản lý chi phí và lập kế hoạch chiến lược của các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Thay đổi cách làm việc tại doanh nghiệp cũng là một phần trong đó, thể hiện sự thích ứng của doanh nghiệp trước tác động của đại dịch đến nguồn lực lao động. Nhiều công ty đã thể hiện sự linh hoạt qua việc cho phép nhân viên làm việc từ xa cũng như cân bằng giữa ưu tiên của tổ chức với nhu cầu của nhân viên. Ở KPMG, công ty quyết định từ bỏ quyền kiểm soát và tin tưởng vào nhân viên của mình. Công ty cho phép nhân viên làm việc linh hoạt ở văn phòng hay bất kỳ nơi nào khác, miễn là không có khiếu nại nào từ phía khách hàng. Cách làm này vừa tối đa hóa trách nhiệm vừa thể hiện sự điều chỉnh các ưu tiên trong các doanh nghiệp hiện đại.
Việc lập kế hoạch chiến lược cho các chính sách ESG và chính sách công nghệ mới cũng rất quan trọng nhằm tháo gỡ sự phức tạp trong bối cảnh kinh doanh hậu đại dịch. Dù cho vẫn còn nhiều tranh luận trái chiều xung quanh thuật ngữ ESG, các CEO được khảo sát vẫn công nhận tầm quan trọng của chính sách ESG đối với niềm tin của khách hàng và thương hiệu của họ. Gần một phần tư (24%) CEO tin rằng trong ba năm tới, chính sách ESG sẽ là yếu tố có tác động lớn nhất đến mối quan hệ với khách hàng của doanh nghiệp và thêm 16% CEO nữa tin rằng ESG sẽ giúp xây dựng danh tiếng cho thương hiệu của họ.
Bên cạnh đó, việc sử dụng AI sẽ ngày càng có tác động mạnh mẽ đến cách thức hoạt động của doanh nghiệp và hành vi của người tiêu dùng trong tương lai. Khi các công cụ như Bard và ChatGPT dần trở nên phổ biến, các CEO trên toàn cầu ngày càng nhận ra tiềm năng gần như vô hạn của trí tuệ nhân tạo. Hiện nay, hầu hết lãnh đạo đều coi việc sử dụng AI có tính sáng tạo là ưu tiên đầu tư hàng đầu. Cuộc khảo sát cho thấy 70% CEO đang đầu tư mạnh vào AI sáng tạo để tạo ra lợi thế cạnh tranh trong tương lai. Rõ ràng, họ đang rất nghiêm túc trong việc đầu tư và khám phá công nghệ. KPMG Global cũng đã ký thỏa thuận 5 năm đồng hành cùng Microsoft để tìm cách ứng dụng AI tại nơi làm việc nhằm tạo ra trải nghiệm tốt hơn cho nhân viên cũng như mang đến dịch vụ tốt hơn cho khách hàng. “Chính sách và quy định về AI sẽ không thể theo kịp tốc độ phát triển công nghệ, điều đó có thể dẫn đến rủi ro,” bà Hảo nói. “Nhưng nó sẽ là một yếu tố làm thay đổi cuộc chơi.” Bà tin rằng lực lượng dân số trẻ và sáng tạo của Việt Nam sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi công nghệ, miễn là các công ty (1) ưu tiên cho những hướng phát triển này và (2) vẫn tập trung vào các mục tiêu dài hạn nhằm đảm bảo khả năng phục hồi khi cơ hội tới.
Bên thềm năm 2024, bà Hảo đưa ra lời khuyên dành cho các doanh nghiệp: hãy lập các kế hoạch trong khung thời gian ngắn hơn và ưu tiên dòng tiền. Tuy nhiên, một điều cũng quan trọng không kém là đừng để trì trệ tăng trưởng khi thời cơ đến. Bà đề nghị các CEO dành thời gian lập kế hoạch cho thời điểm nền kinh tế phục hồi.
“Đã đến lúc chậm lại một chút,” bà Hảo nói. “Đã đến lúc phải xem xét lại chiến lược; suy nghĩ lại về các mô hình hoạt động và cơ cấu tổ chức. Sau đó, các công ty hãy củng cố năng lực để nắm bắt khi cơ hội đến. Khi nền kinh tế tích cực trở lại, các công ty có thể không còn như trước vì các yếu tố địa chính trị, ESG, AI, khiếu kiện về thuế... Điều đó sẽ thay đổi hoàn toàn hành vi của người tiêu dùng. Chúng ta có thể cần phải tinh chỉnh lại chiến lược và mô hình hoạt động để thích ứng với tương lai.”
Nhìn chung, bà Hảo có góc nhìn khá lạc quan. Dù cho trong những năm tới, chúng ta sẽ tiếp tục gặp phải nhiều thử thách nhưng bà Hảo cảm thấy các CEO ở Việt Nam “nhanh nhẹn và rất thông minh, nên tôi nghĩ họ sẽ có khả năng vươn tới một tương lai tốt đẹp hơn.”