Áp dụng IFRS: Bài 1: Trình bày tiền lương và phúc lợi cho người lao động trong BCTC sẽ thay đổi như nào?
Việc áp dụng IFRS có thể tạo ra không ít những khác biệt ngay trong phạm vi một số nghiệp vụ kinh tế khá cơ bản liên quan đến tiền lương, phúc lợi trả cho người lao động.
Theo Quyết định 345/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính, các Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) sẽ được đưa vào áp dụng tự nguyện từ 2022 đến 2025 và áp dụng bắt buộc đối với một số doanh nghiệp sau năm 2025.
Trong giai đoạn nghiên cứu, triển khai IFRS, vấn đề cấp thiết đặt ra đối với những người chịu trách nhiệm lập và cũng như những người sử dụng báo cáo tài chính (BCTC) là xác định những ảnh hưởng tiềm năng đối với BCTC khi áp dụng IFRS.
Trong hoạt động của hầu hết các doanh nghiệp, tiền lương, tiền thưởng và các phúc lợi trả cho người lao động là một trong những nghiệp vụ kinh tế quan trọng, phát sinh thường xuyên và có ảnh hưởng không nhỏ tới BCTC.
Việc sử dụng lao động trong doanh nghiệp tại Việt Nam thường phát sinh tiền lương, tiền thưởng và các phúc lợi dưới các hình thức tiền lương, Thưởng và phúc lợi ngắn hạn, Các khoản đóng góp của người sử dụng lao động liên quan đến phúc lợi cho người lao động sau khi nghỉ hưu, Trợ cấp thôi việc, và Các khoản thanh toán dựa trên cổ phiếu.
Ông Trần Anh Quân, Partner tại KPMG Việt Nam, chia sẻ những khác biệt cơ bản giữa BCTC được lập theo các Chuẩn mực Kế toán và Chế độ Kế toán Việt Nam (VAS) hiện hành so với BCTC được lập theo IFRS và những điều doanh nghiệp cần lưu ý trong quá trình triển khai áp dụng IFRS dưới đây.
Tiền lương
Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Theo nguyên tắc chung, tiền lương được ghi nhận vào chi phí trong báo cáo kết quả kinh doanh trong kỳ phát sinh (ngoại trừ các khoản tiền lương có liên quan trực tiếp đến việc hình thành tài sản thì được ghi nhận vào giá trị tài sản, ví dụ tài sản cố định và hàng tồn kho). Tuy nhiên đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước mà tiền lương được xác định theo cơ chế quỹ lương thì cơ chế này có những đặc điểm khác với cơ chế trả lương theo hợp đồng lao động. VAS không có quy định cụ thể cho cơ chế quỹ lương và việc kế toán thường được thực hiện dựa trên quy định của nhà nước liên quan đến việc lập và sử dụng quỹ lương.
Về cơ bản kế toán tiền lương theo IFRS tương tự như VAS. Tuy nhiên đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước mà tiền lương được xác định theo cơ chế quỹ lương thì các doanh nghiệp này cần xử lý một vài vấn đề sau khi áp dụng IFRS. Thứ nhất là việc tạm ứng và chi vượt quá quỹ lương thực hiện cho kỳ báo cáo dẫn đến phải hoàn trả từ quỹ tiền lương của năm liền kề tiếp theo. Nếu cơ chế tài chính không cho phép phần chi vượt được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh của năm hiện hành thì sẽ tạo ra sự khác biệt về ghi nhận chi phí khi áp dụng IFRS. Theo IFRS, các khoản đã chi vượt quỹ lương thực hiện được xem là chi phí đã phát sinh liên quan đến công việc mà người lao động đã thực hiện và phải tính vào chi phí trong báo cáo kết quả kinh doanh trong kỳ phát sinh (dẫn đến giảm lợi nhuận báo cáo), ngoại trừ các khoản tiền lương có liên quan trực tiếp đến việc hình thành tài sản thì được tính vào giá trị tài sản.
Vấn đề thứ hai các doanh nghiệp có tiền lương được xác định theo cơ chế quỹ lương cần xử lý là việc lập quỹ dự phòng để bổ sung vào quỹ tiền lương của năm sau. IFRS không cho phép lập dự phòng cho các chi phí hoạt động trong tương lai. Do vậy, nếu doanh nghiệp đã ghi nhận khoản dự phòng này thì phải điều chỉnh hoàn nhập lại khi áp dụng IFRS (dẫn đến tăng lợi nhuận báo cáo).
Doanh nghiệp có lập quỹ khen thưởng phúc lợi cần xử lý một số vấn đề có thể dẫn đến sụt giảm lợi nhuận được báo cáo của doanh nghiệp.
Thưởng và phúc lợi ngắn hạn
Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Một số doanh nghiệp có Quỹ khen thưởng phúc lợi được lập theo quy chế nội bộ của doanh nghiệp trích từ lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp và được sử dụng để thanh toán các khoản chi thưởng, phúc lợi cho người lao động.
Tương tự như tiền lương, thưởng và phúc lợi được ghi nhận vào chi phí trong báo cáo kết quả kinh doanh trong kỳ phát sinh ngoại trừ các khoản tiền lương có liên quan trực tiếp đến việc hình thành tài sản thì được tính vào giá trị tài sản. VAS hướng dẫn việc ghi nhận quỹ khen thưởng phúc lợi được trích từ lợi nhận sau thuế thu nhập doanh nghiệp như một khoản nợ phải trả của doanh nghiệp. Chi trả cho người lao động từ quỹ khen thưởng phúc lợi được ghi giảm khoản nợ phải trả. Khoản trích vào quỹ khen thưởng phúc lợi do vậy không được phản ánh vào chí phí sản xuất kinh doanh.
Theo IFRS, khi người lao động đã làm việc cho doanh nghiệp trong kỳ kế toán, các khoản khen thưởng phúc lợi ngắn hạn cho người lao động có liên quan đến kỳ kế toán luôn được ghi nhận là chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sử dụng lao động kể cả trong trường hợp chi trả từ quỹ khen thưởng phúc lợi. Khoản khen thưởng phúc lợi ngắn hạn liên quan đến thời gian người lao động lao việc trong kỳ kế toán mà chưa thanh toán cho người lao động vào cuối kỳ được ghi nhận là khoản nợ phải trả của doanh nghiệp.
Khi áp dụng IFRS, doanh nghiệp có lập quỹ khen thưởng phúc lợi cần xử lý hai vấn đề như sau. Thứ nhất là xác định có phải do việc người lao động đã làm việc trong kỳ kế toán làm phát sinh nghĩa vụ hiện tại cho doanh nghiệp phải chi trả khoản khen thưởng, phúc lợi tương ứng với khoản trích quỹ hay không. Điều này phụ thuộc vào quy chế lập và sử dụng quỹ khen thưởng phúc lợi của doanh nghiệp. Khoản nợ phải trả của doanh nghiệp chỉ được ghi nhận khi nghĩa vụ nêu trên có tồn tại vào cuối kỳ kế toán. Nếu doanh nghiệp đã ghi nhận khoản nợ phải trả về quỹ khen thưởng và phúc lợi trong khi nghĩa vụ này chưa tồn tại thì sẽ cần điều chỉnh xóa bỏ khoản phải trả.
Thứ hai, doanh nghiệp cần điều chỉnh việc ghi nhận khoản khen thưởng phúc lợi mà người người lao động được hưởng liên quan đến công việc người lao động đã thực hiện trong kỳ kế toán vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ thay vì việc khấu trừ vào lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này sẽ dẫn đến sự sụt giảm tương ứng về lợi nhuận được báo cáo của doanh nghiệp.
Để nắm rõ hơn quy tắc kế toán tiền lương và thưởng theo IFRS, doanh nghiệp cần tìm hiểu kĩ về chuẩn mực IAS 19 — Phúc lợi cho người lao động.
Qua những phân tích ở trên, có thể thấy rằng, việc chuyển đổi từ VAS sang IFRS có thể tạo ra không ít những khác biệt ngay trong phạm vi một số nghiệp vụ kinh tế khá cơ bản liên quan đến tiền lương, phúc lợi trả cho người lao động. Vì vậy, để chuyển đổi thành công sang IFRS, doanh nghiệp cần đánh giá kĩ những ảnh hưởng và lập kế hoạch chuyển đổi ngay từ bây giờ.
Phần tiếp theo của bài này sẽ đề cập tới các vấn đề trong việc chuyển đổi từ VAS sang IFRS liên quan đến các khoản đóng góp của người sử dụng lao động liên quan đến phúc lợi cho người lao động sau khi nghỉ hưu, trợ cấp thôi việc và các khoản thanh toán dựa trên cổ phiếu.
Đọc thêm các bài phân tích khác về việc áp dụng IFRS tại Việt Nam tại IFRS Academy.
Bài viết liên quan
Kết nối với chúng tôi
Lâm Thị Ngọc Hảo
Thành viên Điều hành, Trưởng Bộ phận Tư vấn Chuyển đổi doanh nghiệp
KPMG Việt Nam