1. Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh
Ngày 30/12/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 96/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 (“Luật KBCB 2023”), được Quốc hội thông qua vào ngày 09/01/2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024 (“Nghị định 96”). Nghị định 96 cũng có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024 với những điểm đáng lưu ý như sau:
(a) Quy định chuyển tiếp áp dụng đối với Giấy phép hoạt động khám bênh, chữa bệnh (“Giấy phép hoạt động”) đã được cấp theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 và các văn bản hướng dẫn thi hành (“Luật KBCB 2009”), cụ thể:
(i) Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang hoạt động theo Giấy phép hoạt động được cấp theo quy định của Luật KBCB 2009 được tiếp tục hoạt động với hình thức tổ chức hiện tại được ghi nhận tại Giấy phép hoạt động đã được cấp đó;
(ii) Trường hợp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh muốn thay đổi và áp dụng hình thức tổ chức mới theo quy định tại Luật KBCB 2023, thủ tục điều chỉnh Giấy phép hoạt động quy định tại Nghị định 96 sẽ được áp dụng.
(b) Quy định rõ cấp thẩm quyền trong việc cấp mới, cấp lại và điều chỉnh Giấy phép hoạt động trong giai đoạn từ 01/01/2024 đền 31/12/2026, trong đó:
(i) Bộ Y tế có thẩm quyền trong việc cấp mới, cấp lại và điều chỉnh Giấy phép hoạt động của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của mình và bệnh viện tư nhân;
(ii) Sở Y tế tỉnh (cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) sẽ có thẩm quyền trong việc cấp mới, cấp lại và điều chỉnh Giấy phép hoạt động của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn quản lý của Sở Y tế tỉnh đó, trừ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (a) thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an, và (b) là bệnh viện tư nhân.
(c) Quy định về việc xếp cấp chuyên môn kỹ thuật đối với các bệnh viện đã được cấp Giấy phép hoạt động trước ngày 01/01/2024, theo đó:
(i) Các bệnh viện nêu trên sẽ phải thực hiện thủ tục đề nghị xếp cấp chuyên môn kỹ thuật (“Thủ tục xếp cấp”) trước ngày 01/01/2025; và
(ii) Trong trường hợp thời gian tính từ ngày được cấp Giấy phép hoạt động đến thời điểm đề nghị thực hiện Thủ tục xếp cấp chưa đủ 02 năm, các bệnh viện chỉ cần nộp văn bản đề nghị thực hiện Thủ tục xếp cấp (thay vì chuẩn bị và nộp một bộ hồ sơ đầy đủ theo Nghị định 96) để được cấp văn bản tạm xếp bệnh viện vào cấp cơ bản với thời gian tạm xếp cấp là 02 năm.
Sau đó, trong thời gian 60 ngày trước khi hết thời hạn tạm xếp cấp 02 năm nói trên, bệnh viện phải nộp hồ sơ đầy đủ để thực hiện Thủ tục xếp cấp chính thức.
2. Nghị định quy định khu công nghệ cao
Ngày 01/02/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2024/NĐ-CP quy định về khu công nghệ cao (“Nghị định 10”), thay thế Nghị định 99/2003/NĐ-CP ngày 28/08/2003 của Chính phủ quy định cùng nội dung nêu trên (“Nghị định 99”). Nghị định 10 có hiệu lực thi hành từ ngày 25/03/2024 với những điểm đáng lưu ý như sau:
(a) Nghị định 10 quy định những nguyên tắc áp dụng riêng biệt đối với các dự án đầu tư thực hiện hoạt động công nghệ cao trong (i) khu công nghệ cao, và (ii) khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật Công nghệ cao 2008.
(b) Quy định cụ thể các loại hình hoạt động công nghệ cao trong:
(i) Khu công nghệ cao, bao gồm: nghiên cứu và phát triển công nghệ cao; ứng dụng công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đào tạo nhân lực công nghệ cao; hội chợ, triển lãm, trình diễn công nghệ cao, trình diễn sản phẩm công nghệ cao từ kết quả nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, chuyển giao công nghệ cao; sản xuất và kinh doanh sản phẩm công nghệ cao; cung ứng dịch vụ công nghệ cao; và
(ii) Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bao gồm: nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm, trình diễn mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; liên kết các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp; đào tạo nhân lực công nghệ cao lĩnh vực nông nghiệp; hội chợ, triển lãm, trình diễn sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
(c) Quy định các nguyên tắc áp dụng đối với dự án đầu tư thực hiện hoạt động công nghệ cao trong khu công nghệ cao/ khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cụ thể:
(i) Một dự án đầu tư thực hiện hoạt động công nghệ cao phải thỏa mãn các nguyên tắc sau:
(1) Mục tiêu và nội dung hoạt động của dự án đầu tư phù hợp với nhiệm vụ của khu công nghệ cao/ khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật Công nghệ cao 2008;
(2) Dự án phải áp dụng các biện pháp thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng. Đối với dự án trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dự án đồng thời cần có cam kết giảm phát thải khí nhà kính, có lộ trình hướng tới đạt mức phát thải ròng về “0”;
(3) Dự án phải phù hợp với khả năng cung cấp hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của khu công nghệ cao/khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
(4) Nhà đầu tư phải có khả năng tài chính và/ hoặc khả năng huy động nguồn lực hợp pháp khác để có thể vận hành dự án ổn định; có năng lực công nghệ, năng lực quản lý, đảm bảo việc xây dựng, triển khai dự án đầu tư theo đúng tiến độ, kế hoạch; và
(5) Đối với dự án tại khu công nghệ cao, những dự án đầu tư có suất vốn đầu tư (chi phí đầu tư dự án tính trên một đơn vị diện tích đất) cao hơn suất vốn đầu tư trung bình trong phân khu chức năng đó thì sẽ được ưu tiên.
(ii) Bên cạnh những nguyên tắc nêu trên, các tiêu chí khác nhau áp dụng riêng biệt đối với từng loại hình hoạt động công nghệ cao cũng sẽ được áp dụng (ví dụ: một dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ cao phải có các công nghệ và/hoặc sản phẩm thuộc “Danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển” hoặc “Danh mục sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên phát triển” được ban hành bởi Thủ tướng Chính phủ).
(d) Quy định chính sách áp dụng đối với doanh nghiệp chế xuất trong khu công nghệ cao, theo đó, trường hợp doanh nghiệp chế xuất trong khu công nghệ cao thỏa mãn các điều kiện về hải quan khi đáp ứng điều kiện về kiểm tra, giám sát hải quan,… thì sẽ đủ điều kiện hưởng (i) các ưu đãi đầu tư áp dụng đối với dự án đầu tư trong khu công nghệ cao, và (ii) các ưu đãi khác áp dụng đối với một doanh nghiệp chế xuất hoạt động trong khu công nghiệp và khu kinh tế.
3. Thông tư sửa đổi và bổ sung một số điều về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
Ngày 29/12/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 22/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (“Thông tư 41”) quy định về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (“Thông tư 22”). Thông tư 22 sẽ có hiệu lực vào ngày 01/07/2024 với những điểm đáng lưu ý như sau:
(a) Đưa ra định nghĩa “khoản cho vay thế chấp nhà” theo hướng chi tiết hơn so với nội dung tại Thông tư 41. Cụ thể, một “khoản cho vay thế chấp nhà” là khoản cho vay bảo đảm bằng bất động sản đối với cá nhân để mua nhà và bao gồm hai loại hình:
(i) Một khoản cho vay bảo đảm bằng bất động sản đối với cá nhân để mua nhà (“Khoản cho vay mua nhà thông thường”) đáp ứng các điều kiện sau:
(1) Nguồn tiền trả nợ không phải là nguồn tiền được hình thành từ việc cho thuê chính căn nhà đó;
(2) Nhà đã được hoàn thành để bàn giao theo hợp đồng mua bán nhà;
(3) Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có đầy đủ quyền hợp pháp để xử lý nhà thế chấp là tài sản bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán của khách hàng đối với ngân hàng/chi nhánh ngân hàng nước ngoài; và
(4) Việc định giá độc lập đối với nhà hình thành từ khoản vay thế chấp phải được thực hiện.
Đáng lưu ý, điều kiện nêu tại điểm (2) đã được cập nhật so với nội dung tương ứng trước đó tại Thông tư 41 là “nhà đã hoàn thành theo hợp đồng mua bán nhà”. Tuy nhiên, việc điều chỉnh nêu trên được hiểu là chỉ phục vụ cho mục đích phân loại các khoản vay của ngân hàng/ chi nhánh ngân hàng nước ngoài, làm cơ sở để xác định hệ số rủi ro áp dụng cho việc tính toán tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất. Do vậy, nội dung thay đổi trên không nên được diễn giải theo hướng là rào cản đối với việc cung cấp khoản cho vay để mua nhà ở hình thành trong tương lai, và/ hoặc cung cấp khoản cho vay được thế chấp bởi nhà ở hình thành trong tương lai.
(ii) Một khoản cho vay để mua nhà ở xã hội, mua nhà ở theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ (“Khoản cho vay mua nhà xã hội”) và đáp ứng các điều kiện đã nêu tại điểm (1), (3) và (4) nêu trên.
(b) Bổ sung quy định về hệ số rủi ro áp dụng đối với Khoản cho vay mua nhà xã hội, với mức hệ số rủi ro áp dụng nhìn chung là thấp hơn so với mức áp dụng đối với Khoản cho vay mua nhà thông thường. Đây là một nội dung đáng hoan nghênh, dự kiến sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc vay vốn mua nhà ở xã hội và tăng khả năng tiếp cận nhà ở xã hội cho các hộ gia đình có thu nhập thấp.
4. Thông tư sửa đổi và bổ sung các biểu mẫu văn bản liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam
Ngày 31/12/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư số 25/2023/TT-BKHĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2021/TT-BKHĐT ngày 09/04/2021 (“Thông tư 03”) quy định các mẫu văn bản, báo cáo liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam, đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài và xúc tiến đầu tư (“Thông tư 25”). Thông tư 25 có hiệu lực vào ngày 15/02/2024 với những điểm đáng lưu ý như sau:
(a) Đưa ra nhiều thay đổi nhỏ đối với các biểu mẫu về đầu tư áp dụng cho nhà đầu tư và cơ quan có thẩm quyền theo Thông tư 03. Mặc dù những điều chỉnh này là không đáng kể, các bộ hồ sơ đang thực hiện, đã được tiếp nhận và đang trong quá trình xử lý của cơ quan có thẩm quyền trước ngày có hiệu lực của Thông tư 25 có thể được yêu cầu làm lại theo các biểu mẫu mới.
(b) Đối với Văn bản đăng ký góp vốn/ mua cổ phần/ mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (thường được biết đến là Đơn xin chấp thuận góp vốn, mua cổ phần) (Mẫu A.I.7), Thông tư 25 đã tạo ra một thay đổi đáng lưu ý về giá trị giao dịch, khi yêu cầu kê khai “giá trị giao dịch thực tế”, thay vì kê khai “giá trị giao dịch dự kiến” như đã quy định tại Thông tư 03. Xét đến khoảng thời gian dài từ lúc nộp hồ sơ đến khi nhận được kết quả chấp thuận chính thức trên thực tế, về lý thuyết, thay đổi này gây ra gánh nặng không cần thiết đối với các bên trong giao dịch, với việc các bên sẽ cần phải “chốt” giá trị giao dịch trước khi tiến hành nộp hồ sơ.
(c) Đối với Thỏa thuận ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư (Mẫu A.II.11) ký kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư (hoặc tổ chức thực hiện dự án), Thông tư 25 đã có sự phân định giữa trường hợp việc ký quỹ được thực hiện bởi nhà đầu tư và trường hợp nghĩa vụ ký quỹ được bảo lãnh bởi ngân hàng/ tổ chức tín dụng. Ngoài ra, mẫu Thỏa thuận ký quỹ sửa đổi đã bổ sung một số điều về: (i) Biện pháp thực hiện trong trường hợp trong trường hợp số tiền bảo đảm thực hiện dự án chưa được hoàn trả được nộp vào ngân sách nhà nước; (ii) Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên; (iii) Giải quyết tranh chấp; và (iv) Điều khoản chung. Những bổ sung này được cho là sẽ tạo thêm cơ hội trong việc đàm phán một số điều khoản chính của Thỏa thuận ký quỹ giữa nhà đầu tư và cơ quan có thẩm quyền khi khoản ký quỹ thường có giá trị rất lớn, thay vì sử dụng một thỏa thuận hình thức (với các điều khoản rất cơ bản và hạn chế) như trước.
5. Dự thảo Thông tư sửa đổi và bổ sung một số điều về chương trình thưởng cố phiếu phát hành ở nước ngoài
Ngày 19/12/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã công bố dự thảo đầu tiên Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 10/2016/TT-NHNN ngày 29/06/2016 hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 135/2015 /ND-CP ngày 31/12/2015 về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài (“Dự thảo”). Theo đó, Dự thảo đã đưa ra nhiều sự điểu chỉnh đối với các quy định hiện hành về chương trình thưởng cổ phiếu phát hành ra nước ngoài (“Chương trình thưởng”), trong đó có những sửa đổi đáng chú ý sau:
(a) Bổ sung nguyên tắc về việc người lao động Việt Nam tham gia Chương trình thưởng của tổ chức nước ngoài. Cụ thể, người lao động Việt Nam chỉ được tham gia được tham gia các Chương trình thưởng có mục đích nhằm động viên, khuyến khích người lao động có thành tích cao và gắn bó lâu dài với tổ chức, không được tham gia các chương trình có mục đích, tính chất là khoản đầu tư ra nước ngoài nhằm tăng vốn, huy động vốn cho tổ chức nước ngoài.
(b) Thay thế hình thức thưởng Quyền chọn (Option) thành “thưởng quyền nhận cổ phiếu thưởng với điều kiện ưu đãi không phát sinh dòng tiền ra nước ngoài”. Hình thức “thưởng trực tiếp bằng cổ phiếu” vẫn được giữ không đổi.
(c) Bãi bỏ các quy định về việc đăng ký thực hiện Chương trình thưởng với Ngân hàng Nhà nước.
(d) Sửa đổi về chế độ báo cáo áp dụng đối với tổ chức thực hiện Chương trình thưởng tại Việt Nam, từ báo cáo hàng quý sang báo cáo hàng tháng.
(e) Quy định chuyển tiếp áp dụng với các Chương trình thưởng đã được Ngân hàng Nhà nước xác nhận đăng ký. Cụ thể, Dự thảo quy định các Chương trình thưởng đã đăng ký với hình thức thưởng quyền chọn sẽ chỉ được thực hiện nếu đáp ứng tiêu chí điều kiện ưu đãi [và] không phát sinh dòng tiền ra nước ngoài.
Tải bản tin về máy
Đừng bỏ lỡ cập nhật mới nhất
Đăng ký cổng Cập nhật Thuế và Pháp luật của KPMG để nhận thông tin mới nhất về hòm thư của quý vị
Đăng ký tại đây Opens in a new window