Ngày 24 tháng 11 năm 2023, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật số 24/2023/QH15 về Viễn thông ("Luật Viễn thông mới"), thay thế Luật số 41/2009/QH12 về Viễn thông ban hành ngày 23 tháng 11 năm 2009 ("Luật Viễn thông 2009"), nhằm mục đích cập nhật các quy định hiện tại và đưa ra các quy định mới phù hợp hơn với nền kinh tế kỹ thuật số hiện tại. Luật Viễn thông mới sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 07 năm 2024. Một số điều khoản liên quan đến (i) dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ ứng dụng viễn thông và dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (hay còn gọi là dịch vụ "Over-The-Top" ("OTT")), và (ii) việc nộp lệ phí đăng ký hoặc duy trì sử dụng số hiệu mạng sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2025. Việc triển khai và thực thi Luật Viễn thông mới thuộc trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông.

KPMG xin tóm tắt một số điểm chính và tác động quan trọng của Luật Viễn thông mới. Nội dung chi tiết sẽ được trình bày trong các phần tiếp theo.

1. Phạm vi áp dụng:

  • Mở rộng phạm vi áp dụng để điều chỉnh các dịch vụ "phi truyền thống" như OTT, trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây.
  • Tiếp tục điều chỉnh các dịch vụ viễn thông cơ bản, dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng, dịch vụ ứng dụng viễn thông trên Internet và hoạt động bán lại dịch vụ viễn thông.

2. Giấy phép:

  • Hai loại giấy phép theo Luật Viễn thông mới bao gồm Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông hạ tầng mạng (thời hạn 15 năm) và Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng (thời hạn 10 năm).
  • Giấy phép hiện hành theo Luật Viễn thông 2009 sẽ vẫn có hiệu lực cho đến khi hết hạn.
  • Luật Viễn thông mới đưa ra hình thức cấp phép riêng (trên cơ sở ấn định các điều kiện và nghĩa vụ riêng cho từng trường hợp) và cấp phép nhóm ( (trên cơ sở đáp ứng các điều kiện và nghĩa vụ quy định chung).
  • Yêu cầu giấy phép không áp dụng đối với các dịch vụ mới bao gồm: dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây và dịch vụ OTT.

3. Dịch vụ trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây:

  • Được định nghĩa và quy định lần đầu tiên trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
  • Không áp dụng các hạn chế đầu tư nước ngoài, chỉ yêu cầu đăng ký và thông báo về dịch vụ, không yêu cầu xin giấy phép cung cấp dịch vụ.
  • Nghĩa vụ bao gồm đảm bảo chất lượng dịch vụ, sự bảo vệ dữ liệu người dùng và sự kết nối mạng.

4. Dịch vụ viễn thông Over-the-Top (OTT):

  • Thuộc nhóm “dịch vụ ứng dụng viễn thông”.
  • Doanh nghiệp chỉ cần đăng ký mà không cần xin cấp giấy phép, tuy nhiên vẫn phải tuân thủ các quy định về chất lượng, bảo mật và bảo vệ quyền lợi người dùng.
  • Nhà cung cấp dịch vụ OTT phải đăng ký hợp đồng mẫu và điều khoản giao dịch chung với cơ quan quản lý.

5. Cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới:

  • Nhà cung cấp dịch vụ ở nước ngoài phải tuân thủ an ninh quốc gia và pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân của Việt Nam.
  • Nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam hoạt động ở nước ngoài phải tôn trọng luật pháp của nước sở tại và các hiệp định liên quan.
  • Dự kiến Chính phủ sẽ ban hành hướng dẫn về hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.

6. Bán buôn trong viễn thông:

  • Quy định mới về bán buôn trong viễn thông nhằm tạo ra thị trường công bằng hơn với giá cả minh bạch.
  • Doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường phải thực hiện hoạt động bán buôn trong viễn thông và tuân thủ việc thực hiện hạch toán chi phí.
  • Hướng tới việc tăng cường cạnh tranh và mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.

7. Bảo mật thông tin và bảo vệ dữ liệu:

  • Quy định chặt chẽ hơn về bảo vệ quyền riêng tư và thông tin nhạy cảm của người dùng.
  • Doanh nghiệp chỉ được tiết lộ thông tin khi được người dùng đồng ý, theo yêu cầu cụ thể của pháp luật hoặc của cơ quan nhà nước.
  • Quy định trách nhiệm rõ ràng cho doanh nghiệp và các điều kiện nghiêm ngặt đối với việc tiết lộ thông tin riêng tư của người dùng.

8. Kết nối và chia sẻ hạ tầng viễn thông:

  • Khuyến khích hợp tác và chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông giữa các lĩnh vực khác nhau.
  • Nhà đầu tư của một số dự án nhất định có nghĩa vụ phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông.
  • Quy định quyền của các doanh nghiệp viễn thông được kết nối mạng viễn thông của mình với mạng, dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp viễn thông khác.

9. Đấu giá/chuyển giao tài nguyên viễn thông:

  • Phân bổ cạnh tranh quyền sử dụng số điện thoại và tên miền “.vn”.
  • Quy định về đấu thầu trực tuyến và áp dụng nguyên tắc “tổ chức, doanh nghiệp đăng ký trước được xét phân bổ trước”.

10. Kết luận và đánh giá tác động:

  • Luật Viễn thông mới giúp tăng cường tính cạnh tranh và đổi mới trong thị trường viễn thông Việt Nam.
  • Quy định mới cho phép người dùng có nhiều lựa chọn hơn về dịch vụ viễn thông với giá cạnh tranh hơn.
  • Quy định mới mang lại sự rõ ràng và chắc chắn hơn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực viễn thông.
  • Việc bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư của người dùng được tăng cường và chú trọng hơn.

1. Chi tiết về việc mở rộng phạm vi áp dụng

Luật Viễn thông mới có phạm vi áp dụng mở rộng hơn so với Luật viễn thông 2009 để điều chỉnh một số dịch vụ viễn thông “phi truyền thống”. Cụ thể, Luật mới quy định về các dịch vụ viễn thông và các dịch vụ liên quan sau đây:

(a) Dịch vụ viễn thông cơ bản, được định nghĩa là dịch vụ gửi, truyền, nhận thông tin giữa hai người hoặc một nhóm người sử dụng dịch vụ viễn thông, giữa các thiết bị đầu cuối qua mạng viễn thông.

(b) Dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng, được định nghĩa là các dịch vụ viễn thông cơ bản cung cấp thêm tính năng xử lý, lưu trữ và truy xuất thông tin cho người sử dụng.

(c) Dịch vụ viễn thông cơ bản trên nền tảng Internet (Dịch vụ OTT), được định nghĩa là dịch vụ viễn thông cung cấp tính năng chính là gửi, truyền và nhận thông tin giữa hai hoặc hoặc một nhóm người sử dụng dịch vụ viễn thông trên Internet.1

(d) Dịch vụ trung tâm dữ liệu, được định nghĩa là dịch vụ viễn thông cung cấp tính năng xử lý, lưu trữ và truy xuất thông tin cho người sử dụng qua mạng viễn thông bằng việc cho thuê một phần hoặc toàn bộ trung tâm dữ liệu.2

(e) Dịch vụ điện toán đám mây, được định nghĩa là dịch vụ viễn thông cung cấp tính năng xử lý, lưu trữ và truy xuất thông tin cho người sử dụng qua mạng viễn thông thông qua điện toán đám mây.3

(f) Dịch vụ ứng dụng viễn thông, được định nghĩa là dịch vụ sử dụng mạng viễn thông để cung cấp dịch vụ ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, phát thanh, truyền hình, thương mại, tài chính, ngân hàng, văn hóa, thông tin, y tế, giáo dục và lĩnh vực khác.4

(g) Bán lại dịch vụ viễn thông, được định nghĩa là việc doanh nghiệp viễn thông, đại lý dịch vụ viễn thông cung cấp dịch vụ viễn thông (như được miêu tả ở trên) cho người sử dụng dịch vụ viễn thông trên cơ sở thuê đường truyền dẫn hoặc mua lưu lượng, dịch vụ viễn thông thông qua hợp đồng ký với doanh nghiệp viễn thông khác.5

Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Viễn thông mới và/hoặc Thông tư phân loại dịch vụ viễn thông của Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến sẽ cung cấp thêm thông tin về các loại hình dịch vụ viễn thông cụ thể. Tính đến thời điểm viết bài, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Viễn thông mới vào ngày 31 tháng 01 năm 2024. Trong thời gian tới, KPMG dự định sẽ đăng tải một bài phân tích kế tiếp bao gồm những đánh giá, phân tích sâu hơn về dự thảo Nghị định hướng dẫn này.

2. Giấy phép

Luật Viễn thông mới áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động viễn thông tại Việt Nam.6 Những hoạt động này được định nghĩa theo nghĩa rộng và bao gồm hoạt động đầu tư và cung cấp dịch vụ viễn thông, bán buôn hàng hóa viễn thông (vật tư,thiết bị viễn thông như phần cứng và phần mềm), và xây dựng công trình hoặc hạ tầng viễn thông.

Giấy phép viễn thông

Luật Viễn thông mới quy định hai loại giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông:7

(a) Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng có thời hạn không quá 15 năm; hoặc

(b) Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng có thời hạn không quá 10 năm.

Đây là sự thay đổi so với Luật Viễn thông 2009, Luật Viễn thông trước đây quy định hai loại giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông là giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng và giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông.

Đối với các giấy phép được cấp theo quy định của Luật Viễn thông 2009, những giấy phép này vẫn tiếp tục được sử dụng theo thời hạn của giấp phép cho đến khi giấy phép hết hiệu lực. Bất kỳ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép viễn thông nào được nộp trước thời điểm Luật Viễn thông mới có hiệu lực mà đến ngày 01 tháng 7 năm 2024 chưa được cấp giấy phép thì được xem xét cấp giấy phép theo các quy định của Luật Viễn thông 2009.8

Theo quy định tại Điều 35 Luật Viễn thông mới, giấy phép dịch vụ viễn thông được cấp dưới hai hình thức, bao gồm:

(i) Cấp phép riêng là trường hợp giấy phép được cấp cho các trường hợp cụ thể như giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng sử dụng tần số vô tuyến điện được cấp thông qua đấu giá hoặc giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng cấp tại các khu vực có yêu cầu đặc biệt theo quy định của Chính phủ. Đây là hình thức cấp giấy phép viễn thông trên cơ sở ấn định các điều kiện và nghĩa vụ riêng cho doanh nghiệp; hoặc

(ii) Cấp phép nhóm là trường hợp giấy phép được cấp cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng và dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng. Đây là hình thức cấp giấy phép trên cơ sở đáp ứng các điều kiện và nghĩa vụ quy định chung cho các tổ chức, doanh nghiệp, ngoại trừ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông phải thực hiện thủ tục đăng ký, thông báo cung cấp dịch vụ viễn thông.

Về cơ bản, cấp phép riêng là giấy phép được cấp cho các trường hợp cụ thể, trong khi cấp phép nhóm thường áp dụng cho tất cả các bên được cấp phép có cùng điều kiện và nghĩa vụ.

Cần đặc biệt lưu ý rằng các giấy phép viễn thông không áp dụng cho các dịch vụ mới bao gồm dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây và dịch vụ OTT.

3. Dịch vụ trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây

Luật Viễn thông mới lần đầu tiên đề cập tới các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây. Luật định nghĩa “trung tâm dữ liệu” (là công trìnhviễn thông bao gồm nhà, trạm, hệ thống cáp, hệ thống máy tính và hệ thống điện cùng các thiết bị phụ trợ được lắp đặt vào đó để xử lý, lưu trữ và quản lý dữ liệu cho một hoặc nhiều tổ chức, cá nhân), “dịch vụ trung tâm dữ liệu” (là dịch vụ viễn thông cung cấp tính năng xử lý, lưu trữ và truy xuất thông tin cho người sử dụng qua mạng viễn thông bằng việc cho thuê một phần hoặc toàn bộ trung tâm dữ liệu), “điện toán đám mây” (là mô hình cho phép sử dụng linh hoạt, có thể điều chỉnh, quản trị theo nhu cầu các tài nguyên điện toán dùng chung gồm mạng, máy chủ, thiết bị lưu trữ, ứng dụng), và “dịch vụ điện toán đám mây” (là dịch vụ viễn thông cung cấp tính năng xử lý, lưu trữ và truy xuất thông tin cho người sử dụng qua mạng viễn thông thông qua điện toán đám mây) được quy định tương ứng tại Điều 3.23, 3.9, 3.10, và 3.11.

Quyền và nghĩa vụ của nhà cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây ("Nhà cung cấp Trung tâm Dữ liệu và Điện toán Đám mây") bao gồm việc không áp dụng các hạn chế đầu tư nước ngoài, yêu cầu thực hiện đăng ký, thông báo cung cấp dịch vụ viễn thông, không yêu cần việc xin cấp phép cho các dịch vụ viễn thông truyền thống. Việc không điều chỉnh các nhà cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây theo cách tương tự như các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống dường như là một động thái được hoan nghênh, phản ánh ý kiến của nhiều bên liên quan trong giai đoạn tham vấn trước khi ban hành Luật Viễn thông mới này.

Các Nhà cung cấp Trung tâm Dữ liệu và Điện toán Đám mây có nghĩa vụ công bố chất lượng dịch vụ và tuân thủ các quy định kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng, đồng thời đảm bảo các doanh nghiệp viễn thông có thể kết nối và cung cấp dịch vụ cho người sử dụng dịch vụ trung tâm dữ liệu. Ngoài ra, họ còn có trách nhiệm ngăn chặn truy cập trái phép, khai thác hoặc sử dụng dữ liệu của người sử dụng mà chưa đươc người sử dụng đồng ý, đồng thời tiến hành các biện pháp cần thiết để ngăn chặn việctruy cập thông tin theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, các nhà cung cấp này không phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin của người sử dụng dịch vụ, trừ khi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu (phải chịu trách nhiệm). Các doanh nghiệp này có nghĩa vụ đăng ký, lưu trữ và quản lý thông tin về người sử dung dịch vụ theo quy định của Chính Phủ, đồng thời công bố về chất lượng dịch vụ mà họ cung cấp. Cuối cùng, các nhà cung cấp này phải đảm bảo tuân thủ các quy định của các luật khác, bao gồm pháp luật về an ninh mạng, thông tin mạng và bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Chính phủ dự kiến sẽ ban hành các quy định chi tiết về nhiều khía cạnh liên quan đến nhà cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu và đám mây, bao gồm cả các quy định về việc cung cấp các dịch vụ này xuyên biên giới (với nhiều nhà cung cấp, trung tâm dữ liệu có thể đặt ở nước ngoài).

4. Dịch vụ viễn thông Over-The-Top (OTT)

Luật Viễn thông mới giới thiệu và định nghĩa "dịch vụ ứng dụng viễn thông" là “dịch vụ sử dụng mạng viễn thông để cung cấp dịch vụ ứng dụng trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, phát thanh, truyền hình, thương mại, tài chính, ngân hàng, văn hóa, thông tin, y tế, giáo dục và các lĩnh vực khác” 9 bao gồm các ứng dụng dịch vụ viễn thông OTT .Các dịch vụ này liên quan đến việc gửi, nhận và xử lý thông tin giữa người dùng qua internet.

Bên cạnh những nghĩa vụ chung của doanh nghiệp viễn thông, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet còn phải tuân thủ thêm các yêu cầu sau:

(a) Đăng ký hoặc thông báo cung cấp dịch vụ viễn thông: Doanh nghiệp không cần phải xin cấp giấy phép dịch vụ.

(b) Tuân thủ quy định về chất lượng dịch vụ, an ninh thông tin và bảo vệ người dùng.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT phải đăng ký các hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung theo quy định của Luật Bảo vệ người tiêu dùng.10

5. Cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới

Hướng dẫn chi tiết về cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới sẽ được ban hành, tuy nhiên Luật Viễn thông mới đã làm rõ rằng:

(a) Các tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ viễn thông trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ các yêu cầu về an toàn, an ninh, quốc phòng và chính sách công cộng, đồng thời phải tuân thủ các nghĩa vụ theo quy định của Luật An ninh mạng và Luật An toàn thông tin mạng.

(b) Doanh nghiệp viễn thông Việt Nam khi hợp tác với tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới phải có phương án kỹ thuật về an ninh thông tin và sẵn sàng thực hiện ngăn chặn khẩn cấp hoặc ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.11

Dự thảo Luật công bố lần cuối trước khi Luật được thông qua đã có đề xuất rằng các dịch vụ viễn thông qua biên giới chỉ có thể được thực hiện thông qua thỏa thuận thương mại với một doanh nghiệp viễn thông Việt Nam và đề xuất này dự kiến sẽ được đưa vào nghị định hướng dẫn.

Tính đến thời điểm viết bài, dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông mới vừa được công bố vào ngày 31 tháng 01 năm 2024 để lấy ý kiến các bên liên quan. Dự thảo Nghị định đưa ra các quy định về cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới tại Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống phải có thỏa thuận với các doanh nghiệp cung cấp Việt Nam đã được cấp phép và phải có các phương án kỹ thuật cũng như quy trình ngừng cung cấp dịch vụ khẩn cấp. Ngoài ra, yêu cầu về an ninh thông tin, mã hóa và bảo mật dữ liệu là bắt buộc. Các quy định đối với các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ viễn thông OTT xuyên biên giới nới lỏng hơn, bao gồm nghĩa vụ thông báo cho cơ quan chức năng có thẩm quyền, tuân thủ pháp luật viễn thông, đảm bảo an toàn mạng, bảo vệ dữ liệu người dùng và tuân theo các quy trình ngừng cung cấp dịch vụ trong trường hợp khẩn cấp. Những doanh nghiệp này phải duy trì chất lượng, giá cả hợp lý và báo cáo hoạt động khi tuân thủ các quy định về quyền riêng tư dữ liệu. Các trung tâm dữ liệu và nhàdoanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện toán đám mây nước ngoài cũng phải thông báo cho cơ quan chức năng, bảo mật dữ liệu người dùng và tuân thủ quy trình ngừng cung cấp dịch vụ. Nhìn chung, mục đích lập pháp của các quy định này là bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư của người dùng - điều quan trọng nhất trong việc cung cấp dịch vụ qua biên giới. Tương tự chủ đề đã được đề cập trong bài viết, KPMG dự đoán bản phân tích cận cảnh tiếp theo về dự thảo Nghị định hướng dẫn sẽ được công bố để bổ sung cho bài viết này trong thời gian tới.

Đối với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam cung cấp dịch vụ ra nước ngoài, doanh nghiệp phải tiếp tục tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ mà doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.12

6. Bán buôn trong viễn thông

Luật Viễn Thông Mới đưa ra quy định về hoạt động bán buôn trong viễn thông tại Việt Nam nhằm tạo ra một thị trường công bằng hơn bằng cách đảm bảo tính minh bạch và giá cả cạnh tranh giữa các công ty viễn thông. Các công ty có vị thế thị trường đáng kể sẽ phải cung cấp dịch vụ bán buôn và tuân thủ các nguyên tắc kế toán. Điều này cuối cùng sẽ dẫn đến gia tăng tính cạnh tranh và mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng và cung cấp một sân chơi bình đẳng để xây dựng các dịch vụ viễn thông. Việc tiếp cận công bằng đến các dịch vụ bán buôn với mức giá hợp lý cho phép đổi mới và phù hợp với khả năng chi trả, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và ngăn chặn hành vi cạnh tranh không lành mạnh ở thị trường bán buôn.

Đặc biệt, Luật Viễn thông năm 2009 chưa hoàn thiện về quản lý bán buôn, chỉ tập trung vào việc kết nối và sử dụng chung các phương tiện thiết yếu mà không đề cập đến việc mua bán hoặc bán lại lưu lượng/dịch vụ viễn thông. Luật Viễn thông mới hiện có một bộ quy định toàn diện cho cả thị trường viễn thông bán buôn và bán lẻ nhằm thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia thị trường viễn thông và khuyến khích phát triển các dịch vụ và ứng dụng mới.

Luật mới định nghĩa “hoạt động bán buôn trong viễn thông” là “việc doanh nghiệp viễn thông cho doanh nghiệp viễn thông khác thuê mạng viễn thông hoặc mua lưu lượng, dịch vụ viễn thông của mình để phục vụ việc cung cấp dịch vụ viễn thông”.13

Trước Luật Viễn thông Mới, chỉ có một số ít doanh nghiệp tham gia chia sẻ thị trường. Với những quy định mới này, Chính phủ tạo ra một môi trường nơi những “người chơi mới” có thể tham gia thị trường, đồng thời tạo ra một môi trường thị trường cạnh tranh bằng cách quy định một số nghĩa vụ nhất định đối với các doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường (được xác định theo tiêu chí mà Chính phủ quy định) chẳng hạn như:

(a) Tham gia hoạt động bán buôn khi có yêu cầu của doanh nghiệp viễn thông khác;

(b) Thực hiện hạch toán chi phí dịch vụ viễn thông do mình cung cấp;

(c) Không cung cấp dịch vụ viễn thông dưới mức giá thực tế, trừ trường hợp được pháp luật cho phép;

(d) Sử dụng các thỏa thuận mẫu cho hoạt động bán buôn theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.14

Hoạt động bán buôn được quản lý để đảm bảo rằng dịch vụ cung cấp cho các nhà cung cấp dịch vụ khác (bởi những người có vị trí thống lĩnh thị trường) có mức giá công bằng và hợp lý (tránh việc ép giá đối với những người mới tham gia), đảm bảo không phân biệt đối xử và duy trì tính minh bạch trong thông tin về giá, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật viễn thông, chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông.15 Điều thú vị là Luật Viễn thông mới cũng quy định các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng có nghĩa vụ cho thuê cơ sở hạ tầng thụ động khi khả thi về kinh tế, kỹ thuật và phù hợp với quy hoạch cơ sở hạ tầng.16

Thị trường viễn thông Việt Nam hiện đang được dẫn đầu bởi 5 doanh nghiệp viễn thông lớn: VinaPhone, Viettel, MobiFone, Vietnammobile và Gtel. Đây là những “gã khổng lồ” có uy tín và cung cấp phần lớn cơ sở hạ tầng mạng, định hình bối cảnh cho người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp. Trong khi đó, khuôn khổ pháp lý cho thuê cơ sở hạ tầng trước đây chưa được phát triển, đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông thay thế khác như các nhà cung cấp mạng di động ảo (Mobile Virtual Network Operator – MVNO). MVNO hoạt động mà không có cơ sở hạ tầng riêng, mà dựa vào khả năng thuê hạ tầng từ các mạng hiện có để cung cấp các dịch vụ di động cạnh tranh. Việc đưa ra các quy định mới về quản lý hoạt động cho thuê cơ sở hạ tầng viễn thông hoặc dịch vụ bán buôn là một bước đi mang tính bước ngoặt và được kỳ vọng sẽ cung cấp khung pháp lý toàn diện hơn cho việc cho thuê cơ sở hạ tầng viễn thông, mở đường cho sự cạnh tranh và đổi mới ngày càng tăng trên thị trường viễn thông Việt Nam.

7. Bảo mật thông tin và bảo vệ dữ liệu

Việt Nam đã cải tiến khung pháp lý bảo vệ dữ liệu cá nhân trong những năm gần đây với mục đích trao cho các cá nhân quyền kiểm soát dữ liệu của họ và khi các công ty sử dụng dữ liệu đó. Luật Viễn thông mới cũng thể hiện nỗ lực này, thông qua việc tăng cường các nghĩa vụ liên quan đến việc bảo vệ thông tin nhạy cảm trong viễn thông.

Đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền chịu trách nhiệm kiểm soát thông tin trên mạng,17 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông bị nghiêm cấm tiết lộ thông tin riêng tư của người dùng trừ khi:

(a) Trong các trường hợp liên quan đến văn bản thoả thuận tính giá, lập hóa đơn dịch vụ, hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ thanh toán; hoặc

(b) Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan; hoặc

(c) Có được sự đồng ý rõ ràng của người dùng.18

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cũng phải có sự đồng ý của người dùng trong trường hợp truy cập vào thiết bị của người dùng19 và không được truy cập, khai thác hoặc sử dụng dữ liệu của người dùng mà họ xử lý khi không có sự đồng ý của người dùng.20 Quy định này cũng được áp dụng tương tự đối với trường hợp khi doanh nghiệp viễn thông công bố thông tin của người dùng trong bất kỳ thư mục hoặc danh bạ điện thoại công cộng nào.21

Quy định đặt ra trách nhiệm rõ ràng đối với các chủ thể và các điều kiện nghiêm ngặt đối với việc tiết lộ thông tin cá nhân. Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông phải bảo vệ bí mật nhà nước.22 Khi truyền hoặc lưu trữ thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước trên mạng viễn thông phải mã hóa.

Mặt khác, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông có nghĩa vụ chỉ cung cấp dịch vụ khi người dùng cung cấp thông tin đầy đủ, trùng khớp với giấy tờ tùy thân của họ khi ký kết hợp đồng23 nhằm xác thực và duy trì thông tin chính xác về người dùng hoặc xử lý thẻ SIM;24 ngăn chặn việc nhắn tin hoặc gọi điện bất hợp pháp;25 ngừng cung cấp dịch vụ cho những người dùng vi phạm pháp luật 26, v.v.

Theo đó, các nghĩa vụ bảo vệ dữ liệu cá nhân không nhằm mục đích cho phép sử dụng ẩn danh cơ sở hạ tầng viễn thông mà được hiểu là một phương tiện để cơ quan chức năng có thể giám sát việc người dùng sử dụng sai mục đích dịch vụ viễn thông nhằm bảo vệ an ninh quốc gia.

8. Kết nối và chia sẻ hạ tầng viễn thông

Luật mới cũng cho phép thiết lập và lắp đặt các dự án viễn thông trên đất công, thúc đẩy việc hợp tác sử dụng cơ sở hạ tầng dùng chung giữa các dự án viễn thông và kỹ thuật khác. Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư thuộc nhiều lĩnh vực như chung cư, công trình công cộng, khu chức năng, cụm công nghiệp đều có nghĩa vụ phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông.

Đồng thời, các nhà đầu tư này cũng có trách nhiệm thiết kế, xây dựng, quản lý và sử dụng hạ tầng kỹ thuật viễn thông nhằm đáp ứng nhu cầu của ít nhất hai doanh nghiệp viễn thông. Luật Viễn thông mới khẳng định quyền của doanh nghiệp viễn thông được kết nối mạng của mình với mạng của các doanh nghiệp khác, nhấn mạnh tính công bằng, sử dụng hiệu quả tài nguyên, tuân thủ yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.

Luật này cũng đề cập đến khả năng kết nối giữa mạng viễn thông công cộng và tư nhân, nêu rõ trách nhiệm, nguyên tắc không phân biệt đối xử và cơ chế giải quyết tranh chấp kết nối.

9. Đấu giá/Chuyển giao tài nguyên viễn thông

Quá trình đấu giá bao gồm việc phân bổ sự cạnh tranh trong quyền sử dụng kho số viễn thông và tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”. Kho số viễn thông bao gồm mã mạng di động mặt đất và số thuê bao dịch vụ, số dịch vụ ứng dụng nhắn tin (“SMS”), số dịch vụ trả lời tin nhắn, một thị trường trực tuyến liệt kê các mã, số có sẵn để tổ chức, cá nhân lựa chọn thông qua đấu giá.

Giá khởi điểm cho các cuộc đấu giá này được xác định dựa trên các yếu tố như tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người hoặc phí sử dụng 01 năm của mã hoặc số cụ thể, và cuộc đấu giá có thể sẽ được tiến hành trực tuyến trên Cổng thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông. Nếu kho số viễn thông niêm yết không có người nhận trong thời gian đấu giá thì có thể cấp trực tiếp cho tổ chức, cá nhân theo yêu cầu và phải nộp các chi phí liên quan.

Tương tự, việc đấu giá tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” xác định giá khởi điểm tương đương với phí sử dụng 01 năm và tổ chức, cá nhân trúng đấu giá phải làm thủ tục đăng ký, nộp các khoản phí liên quan để sử dụng tên miền đấu giá. Ngoài ra, luật mới vẫn duy trì nguyên tắc “tổ chức, doanh nghiệp đăng ký trước được xét phân bổ trước” "đến trước được phục vụ trước" đối với một số nguồn nhất định.

10. Kết luận và đánh giá tác động

Tác động của Luật Viễn thông mới rất đa dạng và mở rộng ngoài phạm vi lĩnh vực viễn thông (chẳng hạn như dịch vụ OTT và các dịch vụ phi truyền thống), phản ánh sự thay đổi chính sách rộng hơn ở Việt Nam theo hướng thúc đẩy một môi trường kỹ thuật số an toàn, cạnh tranh và lấy người dùng làm trung tâm. Toàn bộ khuôn khổ được thiết lập bởi Luật Viễn thông mới mang đến tiềm năng to lớn trong việc chuyển đổi bối cảnh kỹ thuật số của Việt Nam và thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai. Như đã lưu ý, Dự thảo Nghị định hướng dẫn vừa được công bố vào ngày 31 tháng 01 năm 2024 và KPMG dự kiến sẽ đưa ra quan điểm của mình trong một bài phân tích sâu hơn ở Phần 2 của bài viết này.

Liên hệ chúng tôi

Geraldine Oh

Luật sư Điều hành
Công ty Luật KPMG Việt Nam

Trần Bảo Trung

Phó Giám đốc
Công ty Luật KPMG Việt Nam

Tải bản tin về máy

Chú thích

1 Điều 3.8 Luật Viễn thông mới

2 Điều 3.9 Luật Viễn thông mới

3 Điều 3.11 Luật Viễn thông mới

4 Điều 3.12 Luật Viễn thông mới

5 Điều 3.33 Luật Viễn thông mới

6 Điều 2 Luật Viễn thông mới

7 Điều 33.1 Luật Viễn thông mới

8 Điều 73 Luật Viễn thông mới

9 Điều 1.12 Luật Viễn thông mới

10 Điều 20.4 Luật Viễn thông mới

11 Điều 21.2 và 21.3 Luật Viễn thông mới

12 Điều 20.5 Luật Viễn thông mới

13 Điều 16.1 Luật Viễn thông mới

14 Điều 17 Luật Viễn thông mới

15 Điều 16.2 Luật Viễn thông mới

16 Điều 13.4.b Luật Viễn thông mới

17 Điều 6.3 Luật Viễn thông mới

18 Điều 6.4 Luật Viễn thông mới

19 Điều 28.2.đ Luật Viễn thông mới

20 Điều 29.2.đ Luật Viễn thông mới

21 Điều 26.2 Luật Viễn thông mới

22 Điều 6.1 Luật Viễn thông mới

23 Điều 13.2.i Luật Viễn thông mới

24 Điều 13.2.k Luật Viễn thông mới

25 Điều 13.2.l Luật Viễn thông mới

26 Điều 13.2.m Luật Viễn thông mới