Ngày 02/11/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 77/2023/NĐ-CP (“NĐ77”) về quản lý nhập khẩu hàng hóa tân trang theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024. NĐ77 gồm 5 chương và 22 điều với những điểm đáng lưu ý như sau:
1. Đối tượng áp dụng
NĐ77 chỉ áp dụng đối với việc nhập khẩu hàng hóa tân trang theo Hiệp định CPTPP và cùng chủng loại với hàng hóa đã qua sử dụng thuộc diện cấm nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định pháp luật.
2. Yêu cầu cấp phép
Các thủ tục cấp phép cần phải thực hiện trước khi nhập khẩu hàng hóa tân trang vào Việt Nam gồm:
2.1. Bước 1: Xin cấp mã số tân trang với Bộ Công Thương (“BCT”)
a. Đối tượng đăng ký: Là một trong hai chủ thể sau
- Doanh nghiệp tân trang là doanh nghiệp nước ngoài giữ vai trò chính trong việc tổ chức sản xuất ra hàng hóa tân trang và thực hiện các thủ tục để đưa hàng hóa tân trang vào lưu thông; hoặc
- Chủ sở hữu nhãn hiệu là tổ chức, cá nhân sở hữu hợp pháp nhãn hiệu của hàng hóa ban đầu hoặc của hàng hóa mà hàng hóa tân trang được sử dụng làm chi tiết, linh kiện, phụ tùng thay thế.
b. Thời hạn hiệu lực của mã tân trang: tối đa 5 năm và được gia hạn khi hết hiệu lực.
c. Trình tự cấp phép:
- Đối với hàng hóa thuộc quản lý của BCT: BCT cấp mã số tân trang hoặc từ chối cấp phép trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đúng quy định.
- Đối với hàng hóa thuộc quản lý của các bộ ban ngành khác:
- BCT lấy ý kiến của bộ chuyên ngành trong thời hạn 7 ngày từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ.
- Bộ quản lý chuyên ngành thẩm định hồ sơ và có văn bản trả lời BCT về việc đồng ý hay không đồng ý cấp Mã số tân trang trong vòng 90 ngày kể từ ngày nhận được công văn của BCT.
- BCT cấp mã số tân trang hoặc từ chối cấp phép tròng 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản trả lời của Bộ quản lý chuyên ngành
BCT và bộ quản lý chuyên ngành có quyền yêu cầu kiểm tra thực tế cơ sở tân trang trước khi cấp Mã số tân trang trong trường hợp có nghi ngờ về tính xác thực của hồ sơ cấp Mã số tân trang.
2.2. Bước 2: Xin cấp Giấy phép nhập khẩu hàng hóa tân trang với Bộ Quản lý chuyên ngành
a. Đối tượng đăng ký: Thương nhân Việt Nam nhập khẩu hàng hóa tân trang.
b. Các loại Giấy phép nhập khẩu hàng hóa tân trang:
i. Giấy phép nhập khẩu theo lô hàng: Cấp cho những lần đầu mà hàng hóa tân trang nhập khẩu vào Việt Nam.
ii. Giấy phép nhập khẩu có thời hạn: Sau 3 lần cấp Giấy phép nhập khẩu theo lô hàng, nếu Hàng hóa tân trang cùng tên gọi, cùng kiểu loại, cùng mã hàng và thuộc cùng doanh nghiệp được cấp Mã số tân trang thì được chuyển sang chế độ Giấy phép nhập khẩu có thời hạn ít nhất 12 tháng.
c. Trình tự: Cơ quan cấp giấy phép xem xét cấp hoặc từ chối trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định.
Liên hệ chuyên gia
Nguyễn Thị Huyền Nhung
Phó Giám đốc
Công ty Luật KPMG Việt Nam
Tải bản tin về máy
Cập nhật thông tin
Đăng ký cổng Cập nhật Thuế và Pháp luật của KPMG để nhận thông tin mới nhất về hòm thư của quý vị
Đăng ký tại đây Opens in a new window