1. Nghị định 56/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và quản lý, sử dụng con dấu

Ngày 24/07/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 56/2023/NĐ-CP (“Nghị định 56”) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (“Nghị định 96”) và Nghị định số 99/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng con dấu (“Nghị định 99”). Nghị định 56 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2023 với những điểm đáng lưu ý như sau:

1.1. Sửa đổi Nghị định 96 quy định về điều kiện an ninh, trật tự của một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện

a. Bãi bỏ quy định người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ phải là người có hộ khẩu thường trú ít nhất 05 năm tại xã, phường, thị trấn nơi đăng ký đặt địa điểm hoạt động kinh doanh.

b. Sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính cấp mới và cấp đổi Giấy Chứng Nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự (“GCN ANTT”) như sau:

i. Bổ sung quy định về việc GCN ANTT được cấp dưới dạng văn bản giấy hoặc văn bản điện tử và có giá trị pháp lý tương đương. Nếu cơ sở kinh doanh có yêu cầu thì cấp đồng thời bản giấy và bản điện tử.

ii. Điều chỉnh một số tên gọi của giấy tờ, tài liệu chứng minh bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong bộ hồ sơ cấp mới GCN ANTT để đảm báo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

iii. Làm rõ quy trình thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an tuân thủ theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/04/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

iv. Thay đổi thẩm quyền cấp GCN ANTT như sau:

(1) Phân thẩm quyền quyền cấp GCN ANTT từ Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công An xuống Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (“Phòng CSTTXH”) thuộc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đối với một cơ sở kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh các loại pháo; kinh doanh vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp; kinh doanh vận chuyển tiền chất thuốc nổ; kinh doanh ngành, nghề có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, bao gồm cả việc thăm dò, khai thác khoáng sản, dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam.

(2) Phân thẩm quyền quyền cấp GCN ANTT đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú với quy mô dưới 20 phòng từ Phòng CSTTXH xuống Công an cấp huyện, xã.

(3) Phân thẩm quyền quyền cấp GCN ANTT đối với cơ sở kinh doanh khí là hộ gia đình từ Công an cấp huyện xuống Công an cấp xã.

1.2. Sửa đổi Nghị định 99 về quản lý và sử dụng con dấu

a. Ban hành mẫu mới của Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu (“GCN MD”).

b. Bổ sung quy định về việc GCN MD được cấp dưới dạng văn bản giấy hoặc văn bản điện tử và có giá trị pháp lý tương đương. Nếu cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước có yêu cầu thì cấp đồng thời bản giấy và bản điện tử.

c. Bổ sung hình thức nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích và làm rõ quy trình thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an tuân thủ theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/04/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

d. Bổ sung yêu cầu khi nộp lại con dấu và GCN MD cho cơ quan đã cấp thuộc các trường hợp theo luật định phải kèm theo văn bản nêu rõ lý do và người được cử liên hệ.

e. Bỏ yêu cầu người cử liên hệ nộp hồ sơ phải xuất trình thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng.

2. Nghị định 35/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng

Ngày 20/06/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung 12 Nghị định, bãi bỏ toàn bộ 1 Nghị định, bãi bỏ một phần 1 Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây Dựng (“Nghị định 35”), trong đó có Nghị định 15/2021/ND-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng (“Nghị định 15”). Nghị định 35 có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành (ngày 20/06/2023). Sau đây là một số điểm đáng lưu ý về sửa đổi và bổ sung Nghị định 15:

2.1. Về lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng để phê duyệt dự án

a. Phân thẩm quyền thẩm định từ Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành xuống Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc UBND cấp tỉnh/ thành phố đối với Báo cáo nghiên cứu khả thi đối cho dự án nhóm B (gồm dự án sử dụng vốn đầu tư công, dự án vốn nhà nước ngoài đầu tư công, dự án sử dụng vốn khác) không có công trình cấp đặc biệt, cấp I.

b. Bổ sung quy định xác định thẩm quyền thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi trong trường hợp dự án đầu tư xây dựng được phân chia thành dự án thành phần, từng giai đoạn thực hiện theo phân kỳ đầu tư và làm rõ yêu cầu đối trường hợp phân chia dự án thành phần khi quyết định đầu tư, cụ thể:

i. Thẩm quyền thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng của cơ quan chuyên môn về xây dựng được xác định theo nhóm của dự án thành phần và cấp của công trình thuộc dự án thành phần. Trường hợp dự án thành phần gồm nhiều công trình với nhiều loại và cấp khác nhau, thẩm quyền thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng đối với dự án thành phần được xác định theo quy định tại khoản 5 Điều 12 Nghị định 15.

ii. Trường hợp việc phân chia dự án thành phần được xác định khi quyết định đầu tư thì chủ đầu tư phải lập và trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án tổng thể đối với toàn bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo đảm kết nối và vận hành của dự án; công trình xây dựng khác (nếu có). Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án tổng thể đối với toàn bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật và các công trình khác (nếu có) phải có thuyết minh về việc phân chia dự án thành phần đối với các công trình còn lại, bảo đảm đáp ứng điều kiện phân chia dự án thành phần và bảo đảm tiến độ theo kế hoạch xây dựng đối với từng dự án thành phần.

c. Làm rõ chi phí xây dựng không bao gồm chi phí thiết bị trong quy định về lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng để thống nhất các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng tại Nghị định 10/2021/ND-CP và thông tư hướng dẫn thi hành.

d. Bổ sung quy định đối với trường hợp điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng chỉ cần lập Báo cáo kinh tế -kỹ thuật như sau:

i. Trường hợp điều chỉnh làm tăng tổng mức đầu tư xây dựng vượt 10% mức quy định lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật thì phải lập Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh và tiến hành thẩm định theo quy định đối với Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh.

Trường hợp chỉ điều chỉnh tổng mức đầu tư mà không điều chỉnh thiết kế xây dựng thì được sử dụng thiết kế bản vẽ thi công (không yêu cầu lập thiết kế cơ sở) trong Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng để lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng điều chỉnh và triển khai các bước tiếp theo.

ii. Trường hợp chỉ điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công và không thay đổi các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định 15 và không tăng tổng mức đầu tư, sau khi được người quyết định đầu tư cho phép điều chỉnh, chủ đầu tư thực hiện thẩm định và phê duyệt các nội dung điều chỉnh.

2.2. Về Giấy phép xây dựng (“GPXD”)

a. Bổ sung, làm rõ điều kiện phù hợp với quy hoạch đối với khu vực đã có và chưa có quy hoạch làm cơ sở xem xét cấp GPXD, cụ thể là:

i. Đối với khu vực đã có quy hoạch xây dựng và theo quy định, dự án đầu tư xây dựng phải phù hợp với quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành khác thì quy hoạch xây dựng và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành này là cơ sở để xem xét cấp giấy phép xây dựng;

ii. Đối với khu vực chưa có quy hoạch xây dựng thì quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành khác có liên quan hoặc thiết kế đô thị hoặc quy chế quản lý kiến trúc hoặc văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về vị trí và tổng mặt bằng (đối với công trình không theo tuyến ngoài đô thị) là cơ sở để xem xét cấp giấy phép xây dựng.

b. Bổ sung quy định về nguyên tắc xác định thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng trong một số trường hợp sau:

i. Đối với dự án có nhiều công trình với loại và cấp công trình khác nhau thì thẩm quyền cấp GPXD được xác định theo công trình có cấp cao nhất của dự án;

ii. Khi điều chỉnh thiết kế xây dựng hoặc sửa chữa, cải tạo công trình làm thay đổi cấp của công trình thì thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng được xác định theo cấp của công trình sau điều chỉnh thiết kế hoặc công trình sửa chữa, cải tạo.

c. Bổ sung thành phần hồ sơ đề nghị cấp GPXD đối với công trình không theo tuyến: (1) Hợp đồng thuê đất hợp pháp (đối với trường hợp chủ đầu tư thuê đất để đầu tư xây dựng); (2) Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu công trình, bộ phận công trình hiện hữu/ Hợp đồng thuê công trình, bộ phận công trình hợp pháp (đối với trường hợp đầu tư xây dựng công trình gắn vào công trình, bộ phận công trình hiện hữu).

d. Bổ sung trường hợp thu hồi GPXD khi GPXD được cấp không đáp ứng các điều kiện cấp GPXD theo quy định của pháp luật.

2.3. Về Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng của cá nhân (“CCHN”)

a. Bổ sung thêm 02 trường hợp cá nhân không yêu cầu phải có CCHN, gồm: (i) giám sát thi công nội thất công trình và (ii) tham gia các hoạt động xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ; đồng thời yêu cầu cá nhận phải có CCHN khi tham gia hoạt động đối với công trình cấp IV.

b. Bổ sung quy định về thẩm quyền thực hiện việc cấp điều chỉnh, bổ sung nội dung và cấp lại CCHN thuộc về cơ quan cấp CCHN trước đó.

c. Tăng thời hạn gia hạn CCHN từ 3 tháng lên thành 6 tháng tính từ thời điểm CCHN hết hiệu lực.

d. Mở rộng thẩm quyền sát hạch phục vụ cấp CCHN, cụ thể là cơ quan có thẩm quyền cấp CCHN (gồm: Cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc Bộ Xây dựng, Sở xây dựng, Tổ chức xã hội – nghề nghiệp được công nhận) đều được thực hiện sát hạch phục vụ cấp CCHN hạng I, II và III; Cho phép tổ chức, cơ quan tổ chức sát hạch lựa chọn hình thức sát hạch, ban hành quy chế sát hạch trực tuyến; Tăng thời gian có giá trị của kết quả sát hạch từ 6 tháng lên thành 12 tháng.

2.4. Về Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức (“CCNL”)

a. Bổ sung thêm 2 trường hợp không yêu cầu tổ chức phải có CCNL; gồm: (i) Giám sát, thi công nội thất công trình và (ii) Tham gia hoạt động xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ; đồng thời yêu cầu tổ chức phải có CCNL khi tham gia hoạt động xây dựng đối với công trình cấp IV.

b. Quy định rõ tổ chức xã hội – nghề nghiệp chỉ được cấp CCNL hạng II, hạng III cho tổ chức là hội viên, thành viên của mình.

c. Bổ sung quy định về thẩm quyền thực hiện việc cấp điều chỉnh, bổ sung nội dung và cấp lại CCNL thuộc về cơ quan cấp CCNL trước đó.

d. Tăng thời hạn gia hạn CCNL từ 3 tháng lên thành 6 tháng tính tới thời điểm CCNL hết hiệu lực; Bổ sung thêm quy định về thời hạn để cơ quan có thẩm quyền cấp gia hạn CCNL là 20 ngày kể từ khi cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ năng lực nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

2.5. Về giấy phép hoạt động xây dựng của nhà thầu nước ngoài (“GPHĐXD”)

a. Phân cấp toàn diện thẩm quyền cấp và điều chỉnh GPHĐXD từ Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng xuống Sở Xây dựng các địa phương.

b. Bổ sung quy định về trình tự và thủ tục điều chỉnh GPHĐXD.