Áp dụng IFRS: Bài 1: Hợp đồng khai thác cơ sở hạ tầng - thực trạng và giải pháp

Áp dụng IFRS có thể giải quyết các vấn đề tồn đọng trong việc hạch toán hợp đồng khai thác cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.

Thực trạng việc hạch toán hợp đồng khai thác cơ sở hạ tầng ở Việt Nam hiện nay còn thiếu tính nhất quán, đặc biệt xoay quanh việc ghi nhận tài sản vô hình, khấu hao tài sản và phân bổ chi phí lãi vay. Chuỗi bài viết này sẽ điểm qua các vấn đề về kế toán và tài chính thường nảy sinh với hợp đồng khai thác cơ sở hạ tầng (trong bài 1) và phân tích các giải pháp được quy định trong IFRS, cụ thể là IFRIC 12 - Thỏa thuận nhượng quyền dịch vụ (trong bài 2).

Đặc điểm của hợp đồng

Hợp đồng khai thác cơ sở hạ tầng qui định một bên (thường là Nhà Nước hoặc khu vực công – bên trao quyền) trao quyền khai thác tài sản trong một khoảng thời gian cho một bên khác (thường là khu vực tư nhân/doanh nghiệp – bên khai thác). Quyền này có thể kèm với việc bên khai thác thực hiện nâng cấp một tài sản có sẵn hoặc xây mới tài sản. Loại hợp đồng này có hai đặc điểm tiêu biểu. Thứ nhất, tài sản do bên khai thác vận hành, nhưng thuộc sở hữu công, hoặc sẽ chuyển về sở hữu công sau thời gian khai thác. Thứ hai, các điều khoản khai thác, gồm giá phí dịch vụ và các điều kiện về duy tu, bảo trì tài sản, do bên trao quyền kiểm soát và quyết định.

Hai đặc điểm trên khiến cho việc hạch toán các hợp đồng khai thác cơ sở hạ tầng cần phải được xem xét theo cách thức riêng. Đầu tiên, tài sản hữu hình không thuộc sở hữu của đơn vị xây dựng hay đơn vị khai thác. Tiếp theo, các điều kiện khai thác bị kiểm soát bởi bên trao quyền, chứ không phải bởi bên khai thác. Như vậy, mặc dù thu được lợi ích từ việc khai thác, việc xác định tính chất của tài sản và cách thức tạo ra lợi ích và chi phí liên quan không giống với việc hạch toán các giao dịch khai thác tài sản mà bên khai thác sở hữu.

Các hợp đồng kiểu này xuất hiện khá phổ biến trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, dưới hình thức BOT. Hình thức BOT phổ biến nhất là bên khai thác, sau khi xây dựng tài sản, sẽ được thu hồi giá trị xây dựng cộng thêm thu nhập tính theo một lợi suất cố định trên giá trị đầu tư xây dựng ban đầu từ nguồn thu phí dịch vụ. Lợi suất cố định được đảm bảo thông qua việc kéo dài hoặc rút ngắn thời gian khai thác, tùy vào mức độ sử dụng dịch vụ, tức là bên khai thác không chịu rủi ro có mức độ sử dụng không như dự kiến. Trên thế giới, hợp đồng khai thác cơ sở hạ tầng có thêm một hình thức phổ biến nữa là bên khai thác được hưởng quyền khai thác trong một khoảng thời gian cố định, qua đó chịu rủi ro khi dịch vụ được sử dụng ở mức thấp hơn dự kiến, nhưng đồng thời hưởng lợi ích lớn hơn trong trường hợp dịch vụ được sử dụng ở mức cao hơn dự kiến. Rủi ro này là rủi ro lượng cầu (demand risk), sẽ được nhắc lại trong phần dưới đây.

Hạch toán

Việc kế toán cho các hợp đồng BOT hiện chưa được qui định đầy đủ trong Thông tư 200 - Chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam, ví dụ như việc ghi nhận tài sản vô hình, khấu hao tài sản trong BOT hay phân bổ chi phí lãi vay cho khoản đầu tư ban đầu vào BOT. Khoảng trống này ảnh hưởng đến tính nhất quán trong hạch toán của các đơn vị khai thác BOT. Cách thức kế toán mô tả dưới đây đang là cách phổ biến trong thực tế.

Trong giai đoạn xây dựng, giá phí xây dựng công trình BOT được ghi vào tài sản cố định vô hình – quyền khai thác BOT. Giá phí này gồm giá gốc các hoạt động xây dựng và chi phí lãi vay vốn hóa trong giai đoạn xây dựng.

Khi công trình BOT đi vào khai thác, doanh thu được ghi nhận bằng với số tiền thu từ phí sử dụng trên cơ sở lượng khai thác và giá do bên trao quyền quyết định. Doanh thu này được tính sau khi trừ đi thu nhập bảo toàn vốn.

Bên khai thác còn có thêm một khoản thu nhập là phí bảo toàn vốn đầu tư, được tính bằng tỉ lệ bảo toàn vốn thống nhất trong hợp đồng BOT trên số vốn của chính bản thân bên khai thác đầu tư vào dự án BOT.

Điểm quan trọng nhất trong hạch toán giai đoạn khai thác là xác định thời gian khấu hao của tài sản vô hình quyền khai thác BOT. Bên khai thác thường lập bảng tính doanh thu, chi phí hoạt động và xác định số khấu hao quyền khai thác sao cho đảm bảo được hưởng lợi suất trong hợp đồng. Bảng này được cập nhật theo số liệu doanh thu và chi phí khai thác thực hàng năm. Thời gian khác thác dừng lại khi giá trị quyền khai thác được khấu hao hết.

Việc hạch toán lãi vay hiện đang là chủ đề của nhiều tranh luận. Lãi vay trong giai đoạn xây dựng được vốn hóa. Lãi vay trong giai đoạn khai thác, theo chuẩn mực hiện nay, được ghi vào chi phí khi phát sinh. Điều này dẫn đến biểu đồ doanh thu và chi phí vênh nhau. Chi phí vay thường khá lớn ở những năm đầu và sẽ giảm dần theo thời gian trong khi doanh thu lại theo xu hướng ngược lại. Một số đơn vị khai thác thực hiện vốn hóa chi phí vay phát sinh rồi đưa dần vào chi phí hàng năm theo tỉ lệ doanh thu năm trên tổng doanh thu ước tính.

Tóm lại, bên khai thác bỏ vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Vốn đầu tư này sẽ tạo tỉ lệ lãi nhất định hàng năm. Toàn bộ vốn đầu tư này cộng tỉ lệ lãi cộng dồn các năm sẽ được thu hồi thông qua phí dịch vụ thu được sau khi trừ đi chi phí vận hành. Theo cách này, lợi suất trên vốn đầu tư cơ sở hạ tầng luôn được đảm bảo đúng bằng lợi suất qui định trong hợp đồng BOT, xét trên toàn bộ vòng đời của dự án.

Vấn đề về kế toán và tài chính

Giai đoạn xây dựng

Theo cách hạch toán trên thì các hoạt động xây dựng thực hiện trong một quãng thời gian khá dài sẽ không tạo ra doanh thu/thu nhập. Giá gốc xây dựng được chuyển sang giá trị tài sản vô hình là quyền khai thác tài sản BOT. Hiệu quả của doanh nghiệp BOT sẽ bị ẩn trong khoảng thời gian trước khai thác. Điều này gây khó khăn cho các bên tham gia thị trường đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp BOT.

Về mặt quản trị, việc cải tiến hoạt động, nâng cao hiệu quả chi phí chỉ có thể được thực hiện nếu số liệu được báo cáo theo đúng cơ chế hoạt động của doanh nghiệp, tức là cơ chế tạo ra giá trị. Việc đưa giá phí xây dựng vào tài sản vô hình theo giá gốc và không hạch toán lãi trên hoạt động xây dựng vô hình chung không khuyến khích doanh nghiệp xây dựng một cách hiệu quả. Doanh nghiệp cần được hạch toán sao cho mỗi hoạt động đều tạo ra giá trị gia tăng. Có thế, doanh nghiệp mới có động cơ tiết kiệm chi phí. Bên trao quyền cũng có cơ sở số liệu để xem xét sự công bằng trong lợi suất của mỗi hoạt động, qua đó đảm bảo xuất đầu tư ở mức độ tối ưu chi phí. Như hiện nay, giá phí xây dựng được đẩy hết vào quyền khai thác và phần giá trị gia tăng từ hoạt động xây dựng nằm lẫn trong lợi suất và rất khó để rà soát tính công bằng của lợi suất này.

Giai đoạn khai thác

Hiệu quả hoạt động của bên khai thác trong BOT sẽ được quyết định bởi lợi suất qui định trong hợp đồng. Dù các con số được trình bày trên báo cáo tài chính có thể ở dạng doanh thu/chi phí hoạt động, nhưng tựu chung lại, tỉ lệ lãi và thu hồi vốn trên đầu tư sẽ về đúng lợi suất trên. Điều này giống như cách thức hoạt động của một khoản trái phiếu hoặc cho vay có lãi. Xét về khía cạnh báo cáo tài chính, có sự không đồng nhất giữa báo cáo trên bảng cân đối kế toán (tài sản cố định vô hình) và báo cáo lãi lỗ (thu nhập mang tính chất tài chính). Câu hỏi đặt ra là liệu tài sản quyền khai thác có đúng là một tài sản vô hình? Ngoài ra, với cách tính như trên, Bên khai thác BOT cũng không có động lực tiết kiệm chi phí khai thác, vì chi phí này được trừ vào doanh thu trước khi xác định số khấu hao tài sản vô hình và lợi suất.

Việc hạch toán chi phí lãi vay cũng đang có những bất cập. Cho phép các đơn vị khai thác vốn hóa chi phí lãi vay trong giai đoạn hoạt động sẽ dẫn đến việc hạch toán không nhất quán chi phí vay giữa hoạt động BOT và các hoạt động khác. Nếu không cho phép, các đơn vị sẽ phải báo lỗ trong những năm đầu khai thác.

Đọc bài tiếp theo phân tích về IFRIC 12 - Thỏa thuận nhượng quyền dịch vụ, đi sâu vào hai mô hình áp dụng cho trường hợp bên khai thác có hoặc không chịu rủi ro lượng cầu tại đây.

Xem thêm các bài phân tích khác về việc áp dụng IFRS tại Việt Nam tại IFRS Academy.

Kết nối cùng chúng tôi