Áp dụng IFRS: Bài 2: Hợp đồng khai thác cơ sở hạ tầng - thực trạng và giải pháp

IFRIC 12 thuộc IFRS là một giải pháp kế toán hoàn chỉnh cho hạch toán các hợp đồng khai thác cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.

Như chia sẻ ở bài 1 của loại bài này, việc hạch toán hợp đồng khai thác cơ sở hạ tầng ở Việt Nam hiện nay còn nhiều vấn đề, ví dụ như xoay quanh việc ghi nhận tài sản vô hình, khấu hao tài sản và phân bổ chi phí lãi vay. Bài viết này sẽ tập trung vào giải pháp mà Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) mang lại, đặc biệt là IFRIC 12 - Thỏa thuận nhượng quyền dịch vụ.

IFRIC 12 và giải pháp

Là một phần của IFRS, IFRIC 12 đưa ra hai mô hình cho hai hình thức quyền khai thác phổ biến đã kể trong bài một là trường hợp bên khai thác có hoặc không chịu rủi ro lượng cầu. Trong hợp đồng BOT mà bên khai thác không chịu rủi ro lượng cầu, mô hình tài sản tài chính được áp dụng. Trường hợp bên khai thác chịu rủi ro lượng cầu, mô tình tài sản vô hình sẽ được áp dụng.

Mô hình tài sản tài chính

Dạng hợp đồng BOT phổ biến ở Việt Nam là hợp đồng cho phép bên khai thác được quyền đảm bảo thu hồi vốn và một lợi suất cố định trên tổng vốn đầu tư, không chịu rủi ro lượng cầu. Khoản đầu tư khi đó mang đặc điểm của một khoản cho vay hưởng lãi cố định, vì bên khai thác được quyền thu hồi toàn bộ giá trị đầu tư gốc cộng lãi cố định. Đó chính là lý do cơ bản khiến IFRIC 12 đưa ra mô hình tài sản tài chính. Để hình dung mô hình này, hãy xem minh họa với số liệu đã được đơn giản hóa trong ví dụ sau:

Bên khai thác trong thỏa thuận BOT phải đầu tư xây một đoạn quốc lộ, giá gốc xây (bao gồm cả lãi vay vốn hóa) là 600 tỷ, lợi suất 14%. Ước tính thu phí trong bảng dưới đây cho thấy bên khai thác sẽ dừng thu phí sau 5 năm:

Bảng A

(tỷ VND)

Giá trị hiện tại theo tỷ lệ chiết khấu 14%

Năm 1

Năm 2

Năm 3

Năm 4

Năm 5

Ước tính thu phí

600

140

170

190

200

192


Tại thời điểm kết thúc xây dựng, bên khai thác phải tách phần thu hồi dòng tiền trong tương lai thành 3 cấu phần, tương ứng theo các yếu tố thị trường của mỗi cấu phần. Giả sử trên thị trường, dịch vụ xây dựng tương tự thường có mức lãi gộp 10%, dịch vụ khai thác thu phí cho mức lãi 5%. Giá trị tài sản tài chính phụ thuộc lãi suất thị trường cho tài sản có mức rủi ro tương tự. Lãi suất này có thể không có sẵn do mỗi dự án BOT có những đặc điểm rủi ro khác nhau, bên khai thác có thể áp dụng phương pháp “giá trị còn lại” để xác định cấu phần tài sản tài chính. Cụ thể như sau:

Bảng B

(tỷ VND)

IRR cho 660 tỷ (1)

Năm 1

Năm 2

Năm 3

Năm 4

Năm 5

Ước tính thu phí

 

140

170

190

200

192

Ước tính chi phí khai thác

 

10

10

10

10

10

Doanh thu khai thác 5%

 

10,5

10,5

10,5

10,5

10,5

Dòng tiền thuộc tài sản TC

8% (2)

129,5

159,5

179,5

189,5

181,5


Trong đó: (1) 660 tỷ là tổng doanh thu xây dựng, tính trên giá gốc 600 tỷ và 10% lợi nhuận biên; (2) tỉ lệ 8% chiết khấu cho giá trị hiện tại của dòng tiền thuộc tài sản tài chính trong 5 năm đúng bằng giá ghi nhận ban đầu 660 tỷ. Tỉ lệ này sẽ được dùng để tính thu nhập tài chính trong thời gian khai thác.

Với giá trị xây dựng là 660 tỷ, bên khai thác sẽ có thể ghi nhận tổng doanh thu và lợi nhuận biên 10% trong giai đoạn xây dựng. Trường hợp giai đoạn này kéo dài hơn một kỳ kế toán, việc phân bổ doanh thu 660 tỷ này qua các kỳ kế toán sẽ được thực hiện theo IFRS 15. Giai đoạn khai thác, bên khai thác sẽ có tình hình tài chính và kết quả kinh doanh như sau:

Bảng C

(tỷ VND)

 

Năm 1

Năm 2

Năm 3

Năm 4

Năm 5

Doanh thu khai thác

(a)

10,5

10,5

10,5

10,5

10,5

Chi phí khai thác

(b)

10

10

10

10

10

Thu nhập tài chính

(c)

53,5

47,3

38,2

26,8

13,6

Dòng tiền trả gốc tài sản tài chính

(d)

76,0

112,1

141,2

162,7

167,9

Tài sản tài chính đầu năm

(e)

660

584

471,8

330,6

167,9


Trong đó:

(a) Việc phân bổ doanh thu cấu phần khai thác và thu hồi tài sản tài chính được thực hiện căn cứ trên số ước tính ở bảng B. Tổng doanh thu khai thác không đổi, nhưng doanh thu hàng năm có thể lớn hơn hay nhỏ hơn số minh họa tùy thuộc số thu phí thực tế. Phân bổ doanh thu qua các năm thực hiện theo IFRS 15.

(b) Chi phí khai thác sẽ hạch toán trên cơ sở thực tế phát sinh. Doanh nghiệp BOT vẫn có cơ hội tăng hiệu quả hoạt động thông qua tiết kiệm chi phí.

(c) Bằng (e) x 8%.

(d) Bằng dòng tiền thuộc tài sản tài chính trừ thu nhập tài chính. Dòng tiền này tính trên cơ sở dòng tiền thu phí thực, và sẽ có tác động điều chỉnh đối với thời gian thu hồi tài sản tài chính.

(e) Số dư đầu năm dùng để tính thu nhập tài chính, trừ số (d) khi mang sang năm sau.

Các số liệu Bảng C bỏ qua chi phí vay mà bên khai thác phải trả cho phần vốn vay phát sinh vì chi phí vay vẫn sẽ hạch toán như qui định của chuẩn mực, không cần “cơ chế” đặc thù cho BOT. Lưu ý là cách hạch toán này đã giải quyết được vấn đề lệch pha doanh thu và chi phí vay mà các đơn vị BOT đang than phiền hiện nay. Thu nhập tài chính trong mô hình tài sản tài chính cao trong các năm đầu và giảm dần trong các năm sau, giống với biểu đồ của chi phí vay hạch toán theo chuẩn mực và qui định kế toán hiện hành.

Mô hình này thể hiện đúng bản chất rủi ro của hợp đồng đối với bên khai thác BOT. Quan trọng hơn, mô hình này xác định rõ ràng hiệu quả của từng loại hoạt động, ghi nhận hiệu quả này đúng thời điểm. Bên trao quyền cũng có thể nhìn rõ lợi suất của từng hoạt động, so sánh với thị trường, và có thể kết luận liệu các lợi suất này đã công bằng cho cả hai phía. Ví dụ, nếu lợi suất tài sản tài chính lên đến 12%, so với lợi suất trái phiếu doanh nghiệp ở tầm 7%, bên khai thác BOT có thể đang được hưởng lợi suất ưu đãi.

Mô hình tài sản vô hình

Bên khai thác áp dụng mô hình này khi hợp đồng BOT cho phép họ khai thác trong một khoảng thời gian cố định. Bên khai thác BOT sẽ chịu rủi ro lượng cầu, khi họ không thể thu hồi đủ giá trị đầu tư khi mức sử dụng thực tế thấp hơn mức sử dụng dự kiến trong thời gian được phép khai thác. Trường hợp này, quyền khai thác mới có các đặc điểm của một tài sản vô hình: đơn vị chịu rủi ro (và hưởng lợi ích) gắn liền với khả năng khai thác tài sản. Tài sản vô hình sẽ được đánh giá theo giá trị hợp lý ước tính tại thời điểm bắt đầu khai thác.

Theo mô hình này, doanh thu xây dựng sẽ được ghi bằng giá trị tài sản vô hình. Việc ghi nhận doanh thu xây dựng qua nhiều kỳ kế toán trong giai đoạn xây dựng cũng sẽ được thực hiện theo IFRS 15, như mô hình tài sản tài chính.

Giai đoạn khai thác, việc hạch toán đơn giản hơn so với mô hình tài sản tài chính, phản ánh đúng bản chất của việc khai thác tài sản. Doanh thu bằng phí dịch vụ; chi phí gồm chi phí khai thác, khấu hao tài sản vô hình và chi phí tài chính. Kết quả của đơn vị khai thác bấp bênh tùy thuộc vào doanh thu dịch vụ nhận được, thể hiện đúng bản chất của mô hình này.

Do phạm vi khuôn khổ bài viết và việc mô hình này chưa phổ biến ở Việt Nam, bài viết không minh họa số cho mô hình này.

Kết luận

Việc hạch toán theo IFRIC 12 cho phép thể hiện rõ hơn hiệu quả hoạt động của đơn vị khai thác BOT trong từng giai đoạn của một dự án BOT. Ghi nhận tài sản cũng đúng theo bản chất rủi ro và lợi ích mà đơn vị khai thác BOT nắm giữ. Các nguyên tắc này trong IFRIC 12 có thể áp dụng để xử lý nhiều vấn đề khác của hợp đồng BOT như mô hình hybrid (có cả cấu phần tài sản tài chính và tài sản vô hình), chi phí duy tu, bảo dưỡng hay chi phí sửa chữa lớn/nâng cấp tài sản mà bên khai thác được phép hoàn vốn qua thu phí.

Phạm vi áp dụng của các hợp đồng khai thác cơ sở hạ tầng trong thực tế có thể rộng hơn nhiều những hợp đồng BOT trong lĩnh vực giao thông. Các ví dụ sau có thể có đặc điểm của hợp đồng theo IFRIC 12:

  • Hợp đồng trao quyền xây nhà máy điện kèm theo điều khoản mua lại điện trong tương lai theo các điều khoản của bên trao quyền.
  • Hợp đồng trao quyền đầu tư và vận hành thiết bị y tế trong bệnh viện, đổi lại quyền khai thác theo các điều khoản mà bên trao quyền qui định.

Việc áp dụng IFRIC 12 có thể giải quyết các vấn đề nêu trên cho một số lượng lớn các hợp đồng ở nhiều ngành, nhiều hoạt động khác nhau đã xuất hiện trên thực tế, chứ không chỉ các BOT như hình dung ban đầu. Chính vì vậy đây cũng có thể là một giải pháp kế toán hoàn chỉnh cho hạch toán các hợp đồng khai thác cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.

Đọc các phân tích chuyên sâu khác và tham dự các hội thảo về áp dụng IFRS tại Việt Nam tại IFRS Academy.

Kết nối cùng chúng tôi