Ngày 06/01/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định 05/2025/NĐ-CP (“Nghị định 05”) (có hiệu lực cùng ngày) để sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 08/2022/NĐ-CP (“Nghị định 08”) hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020 (“Luật BVMT 2020”). Trong các nội dung được điều chỉnh tại Nghị định 05, đáng chú ý là các quy định điều chỉnh trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu trong việc xử lý chất thải và tái chế sản phẩm, bao bì (“EPR”) so với các quy định tại Nghị định 08 sau gần ba năm áp dụng. Một số thay đổi đáng chú ý gồm có:
1. Xác định rõ đối tượng chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ EPR
Trước đây, theo quy định của Nghị định 08, đối tượng có nghĩa vụ thực hiện EPR chỉ bao gồm các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu một số sản phẩm, hàng hóa nhằm đưa ra thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, Nghị định 05 làm rõ nhóm đối tượng này bao gồm “tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về chất lượng và ghi nhãn sản phẩm, hàng hóa tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa”. Như vậy, việc bổ sung quy định nói trên là cơ sở để xác định các đối tượng không thuộc phạm vi chịu trách nhiệm thực hiện EPR như tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ nhập khẩu.
Ngoài ra, Nghị định 05 cũng sửa đổi quy định xác định các trường hợp miễn trừ thực hiện nghĩa vụ EPR, bao gồm:
- Điều chỉnh tiêu chí xác định các đối tượng được miễn trừ nghĩa vụ EPR, theo đó sẽ áp dụng đối với nhà sản xuất, nhà nhập khẩu có doanh thu bán sản phẩm dưới 30 tỷ đồng. Cụ thể hơn, Nghị định 05 điều chỉnh căn cứ miễn trừ (i) đối với nhà sản xuất là “doanh thu từ việc bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ” và (ii) đối với nhà nhập khẩu là “tổng giá trị nhập khẩu”, được điều chỉnh thành “doanh thu bán sản phẩm”, đồng thời tăng mức giới hạn giá trị miễn trừ đối với nhà nhập khẩu từ dưới 20 tỷ đồng thành dưới 30 tỷ đồng.
- Bổ sung trường hợp nhà sản xuất đã đưa bao bì ra thị trường và bao bì đó được chính nhà sản xuất thu hồi, đóng gói để tiếp tục đưa ra thị trường với tỷ lệ bằng hoặc cao hơn tỷ lệ tái chế bắt buộc, qua đó khuyến khích việc tái sử dụng bao bì của các nhà sản xuất.
2. Bổ sung trường hợp loại trừ khi xác định tỷ lệ tái chế bắt buộc
Đối với các trường hợp tái chế không được tính vào tỷ lệ tái chế bắt buộc: Nghị định 05 bảo lưu đối với trường hợp tái chế phế liệu nhập khẩu đã được quy định tại Nghị định 08, đồng thời bổ sung các trường hợp tái chế (i) bao bì là chất thải phát sinh từ quá trình sản xuất công nghiệp và (ii) sản phẩm lỗi bị thải loại trong quá trình sản xuất.
3. Bổ sung quy định điều chỉnh hình thức thực hiện trách nhiệm tái chế
Theo quy định tại Luật BVMT 2020 và Nghị định 08, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu có thể chọn thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì theo một trong các hình thức: (i) tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì; hoặc (ii) đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam1 để hỗ trợ tái chế. Trường hợp chọn hình thức “tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì”, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu có thể chọn thực hiện thông qua một hoặc kết hợp các cách thức: (a) tự thực hiện tái chế, (b) thuê đơn vị tái chế để thực hiện tái chế; (c) ủy quyền cho tổ chức trung gian (“bên được ủy quyền”) để tổ chức thực hiện tái chế.
Đối với cách thức đã đề cập ở điểm (b) nêu trên: “thuê đơn vị tái chế để thực hiện tái chế”, các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu và các đơn vị tái chế thường gặp khó khăn trong việc xác định liệu đơn vị tái chế đó đã đáp ứng đủ các điều kiện theo luật định hay chưa, vì Nghị định 08 và các văn bản có liên quan không quy định các tiêu chí xác định. Bất cập này dẫn đến thực tế các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu có xu hướng lựa chọn các đơn vị tái chế được liệt kê trong danh sách công bố các đơn vị tái chế của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mặc dù không có quy định nào nhằm hạn chế đối với các đơn vị tái chế ngoài danh sách đó. Do đó, Nghị định 05 làm rõ yêu cầu đối với các đơn vị tái chế phải “có giấy phép môi trường hoặc giấy phép môi trường thành phần trong đó có nội dung tái chế sản phẩm, bao bì”, từ đó tạo cơ sở để xác định việc đáp ứng điều kiện theo luật định đối với các đơn vị tái chế.
Đối với cách thức ở điểm (c) nêu trên: “ủy quyền cho bên được ủy quyền”, Nghị định 05 bổ sung quy định làm rõ trách nhiệm của đơn vị này phải “tổ chức thu gom và chịu trách nhiệm đối với khối lượng sản phẩm, bao bì làm nguyên liệu cho đơn vị tái chế tương ứng với khối lượng nhận ủy quyền”, đồng thời không được ủy quyền lại cho tổ chức khác nếu chưa được sự đồng ý của nhà sản xuất, nhập khẩu đã uỷ quyền.
Ngoài ra, Nghị định 05 cụ thể hóa hình thức công bố các đơn vị tái chế và bên được ủy quyền. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ công bố các đơn vị đáp ứng điều kiện trên Hệ thống thông tin EPR quốc gia trong vòng năm ngày làm việc kể từ khi nhận được đề nghị, thay vì phải chờ thời gian dài để được đánh giá và được công bố như trước đây.
Bên cạnh đó, Nghị định 05 nêu rõ Chính phủ khuyến khích các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu thực hiện trách nhiệm tái chế thông qua hình thức “tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì” thay vì đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (quỹ này được thành lập theo Quyết định 78/2014/QĐ-TTg ngày 26/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ). Quan điểm này một phần đề cao trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu trong việc chủ động thực hiện các nghĩa vụ tái chế, đồng thời phù hợp với bối cảnh hình thức đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam trên thực tế khó thực hiện bởi thành tố “định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì” (Fs) trong công thức xác định mức đóng góp tài chính vẫn chưa được ban hành cũng như vẫn còn nhiều quan điểm bất đồng giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về giá trị Fs hợp lý. Ngoài ra, Nghị định 05 sửa đổi thời hạn đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam theo hướng yêu cầu đóng một đợt trước ngày 20/04 hằng năm, thay vì cho phép chia làm hai đợt như trước kia.
4. Điều chỉnh quy định về thực hiện hỗ trợ hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì và hoạt động xử lý chất thải
Nghị định 05 xóa bỏ các quy định về hồ sơ, quy trình, thủ tục đề nghị hỗ trợ tài chính từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam cho hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì và hoạt động xử lý chất thải. Thay vào đó, quy định mới yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính để xây dựng và trình Chính phủ ban hành quy định cụ thể về việc hỗ trợ tài chính.
Với việc xóa bỏ nêu trên, các đơn vị, tổ chức có nhu cầu đề nghị hỗ trợ tài chính từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam sẽ không còn cơ chế để đăng ký đề nghị hỗ trợ và cần phải chờ ban hành quy định cụ thể trong thời gian tới.
Lưu ý dành cho doanh nghiệp khi thực hiện các quy định mới
Nhằm tuân thủ Nghị định 05 và các quy định có liên quan, doanh nghiệp cần lưu ý:
(i) Rà soát hoạt động nhằm xác định doanh nghiệp có thuộc đối tượng chịu trách nhiệm (hoặc được miễn trừ) thực hiện EPR hay không, đặc biệt đối với doanh nghiệp chịu trách nhiệm về chất lượng và ghi nhãn sản phẩm, hàng hoá;
(ii) Tổ chức tái chế sản phẩm và bao bì thay vì đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam do các quy định điều chỉnh việc đóng góp tài chính chưa rõ ràng;
(iii) Rà soát và đăng ký cấp hoặc điều chỉnh giấy phép môi trường và giấy phép môi trường thành phần (nếu cần) nhằm tuân thủ quy định mới tại Nghị định 05, đồng thời đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố thông tin lên Hệ thống EPR quốc gia;
(iv) Cập nhật các hướng dẫn từ cơ quan có thẩm quyền và tham vấn các chuyên gia về tác động, việc áp dụng và tuân thủ các quy định về EPR đối với hoạt động của doanh nghiệp.
Nếu anh/chị có bất kỳ câu hỏi hoặc yêu cầu bất kỳ thông tin bổ sung nào, vui lòng liên hệ với Bà Nguyễn Mai Phương – Luật sư Điều hành và Bà Chu Thị Giang – Phó Giám Đốc, Công ty Luật KPMG Việt Nam.
Bản tin này chỉ nhằm cung cấp thông tin chung và không thay thế cho tư vấn pháp lý.
1 Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo Quyết định số 78/2014/QĐ-TTg ngày 26/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ, là tổ chức tài chính nhà nước trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, có chức năng cho vay lãi suất ưu đãi, tài trợ, hỗ trợ lãi suất cho các dự án bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn quốc.
Tải bản tin về máy
Đừng bỏ lỡ cập nhật mới nhất
Đăng ký cổng Cập nhật Thuế và Pháp luật của KPMG để nhận thông tin mới nhất về hòm thư của quý vị
Đăng ký tại đây Opens in a new window