Luật Viễn thông 2023 của Việt Nam đã mở rộng phạm vi điều chỉnh, lần đầu tiên đưa vào quản lý các dịch vụ viễn thông thế hệ mới như trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây và viễn thông cơ bản trên Internet (OTT), bên cạnh các dịch vụ viễn thông truyền thống như dịch vụ điện thoại, kết nối internet, hay truyền dẫn dữ liệu.

Ngày 24 tháng 12 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 163/2024/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông (gọi tắt là “Nghị định 163”). Nghị định này quy định chi tiết các nghĩa vụ pháp lý mà các doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông cần tuân thủ. Một số nội dung quan trọng bao gồm:

Nghĩa vụ đăng ký đối với nhà cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu tại Việt Nam bắt buộc phải đăng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông (BTTTT). Quy trình đăng ký bao gồm:

  • Hồ sơ đăng ký:
    • Đơn đăng ký theo mẫu (Mẫu số 25 của Nghị định).
    • Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
    • Phương án kỹ thuật đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn cơ sở hạ tầng, an ninh và kỹ thuật
  • Thông tin yêu cầu trong hồ sơ:
    • Thông tin cơ bản về doanh nghiệp (tên, địa chỉ, thông tin đăng ký và thông tin liên hệ). 
    • Mô tả chi tiết các dịch vụ viễn thông dự kiến cung cấp.
    • Các thông tin về cơ sở hạ tầng (vị trí, công suất, tiêu chuẩn), kết nối internet và các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng.
  • Thời gian xử lý: Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xem xét hồ sơ trong vòng 3 ngày làm việc và cấp giấy chứng nhận trong 5 ngày làm việc nếu hồ sơ hợp lệ. Doanh nghiệp phải đăng ký lại nếu có thay đổi về tên hoặc cơ sở hạ tầng.

Nghĩa vụ thông báo đối với dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ thư điện tử, dịch vụ thư thoại, dịch vụ fax gia tăng giá trị

Các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (hay còn gọi là dịch vụ OTT, như ứng dụng nhắn tin và gọi điện), điện toán đám mây (SaaS, PaaS, hoặc IaaS), dịch vụ thư điện tử, dịch vụ thư thoại, dịch vụ fax gia tăng giá trị phải thông báo với Bộ Thông tin và Truyền thông trước khi bắt đầu hoạt động. Quy định này áp dụng cho cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.

  • Hồ sơ thông báo:
    • Biểu mẫu thông báo (Mẫu số 27 của Nghị định).
    • Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc đầu tư còn hiệu lực.
    • Mô tả chi tiết về dịch vụ cung cấp, bao gồm loại hình dịch vụ, đối tượng khách hàng, thiết bị hệ thống, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ, giá cả và các cam kết về chất lượng dịch vụ (SLA).
  • Thời gian xử lý: Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xử lý hồ sơ trong vòng 3 ngày làm việc và công khai danh sách nhà cung cấp đã được phê duyệt trên trang thông tin chính thức. Mọi thay đổi về tên doanh nghiệp hoặc thông tin liên hệ cũng cần được cập nhật kịp thời với Bộ.

Thời điểm áp dụng

Nghị định Viễn thông có hiệu lực từ ngày 24 tháng 12 năm 2024. Các quy định liên quan đến trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây và OTT sẽ chính thức được áp dụng từ ngày 1 tháng 1 năm 2025.