Theo Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, Dự thảo sửa đổi Luật thuế Thu Nhập Doanh Nghiệp (“TNDN”) sẽ được thông qua vào kỳ họp thứ 9 diễn ra vào tháng 5/2025 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2026. Để hoàn thiện dự thảo trình Chính Phủ, Bộ Tài chính đã công bố và đang lấy ý kiến về nội dung dự thảo với một số đề xuất sửa đổi bổ sung đáng chú ý như sau: 

1. Phạm vi điều chỉnh của luật

  • Bổ sung phạm vi điều chỉnh của Luật đối với thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (Trụ cột 2).

2. Thu nhập chịu thuế

  • Bổ sung một số khoản “thu nhập được miễn thuế”, bao gồm: khoản hỗ trợ trực tiếp từ Ngân sách nhà nước; chuyển nhượng tín chỉ cac-bon lần đầu sau khi phát hành; tiền lãi trái phiếu xanh; thu nhập từ chuyển nhượng trái phiếu xanh lần đầu sau khi phát hành.
  • Sửa đổi quy định về nộp thuế đối với thu nhập của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở nước ngoài, theo đó doanh nghiệp thực hiện nộp thuế trong kỳ phát sinh khoản thu nhập, thay vì nộp tại thời điểm chuyển khoản thu nhập về Việt Nam như quy định hiện hành.

3. Bù trừ, chuyển lỗ khi tính thuế TNDN

  • Doanh nghiệp có nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh trong kỳ tính thuế thì được bù trừ số lỗ của các hoạt động với nhau, nhưng không bù trừ với thu nhập của hoạt động sản xuất kinh doanh (“SXKD”) đang được hưởng ưu đãi thuế.
  • Sửa đổi cho phép doanh nghiệp được bù trừ lãi của hoạt động “chuyển nhượng bất động sản”, “chuyển nhượng dự án đầu tư”, “chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư” với lỗ của hoạt động SXKD trong kỳ tính thuế.

4. Thời điểm xác định doanh thu

  • Sửa đổi thời điểm xác định doanh thu để tính thuế TNDN đối với dịch vụ là thời điểm hoàn thành cung ứng dịch vụ cho người mua, hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ nếu hóa đơn được lập trước thời điểm hoàn thành dịch vụ.

5. Các khoản chi phí được trừ và không được trừ

  • Sửa đổi điều kiện “thanh toán không dùng tiền mặt” từ 20 triệu đồng hiện tại theo mức cụ thể sẽ theo quy định của pháp luật có liên quan.
  • Bổ sung/sửa đổi một số khoản chi phí không được trừ, bao gồm:
    • Lãi vay để triển khai các hợp đồng tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí;
    • Lãi vay của đối tượng không phải tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay; 
    • Khoản chi không đáp ứng điều kiện chi, nội dung chi theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
  • Thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết nhưng không thuộc trường hợp hoàn thuế được tính là chi phí hợp lệ.

6. Thuế suất thuế TNDN

  • Bổ sung quy định về thuế suất đối với doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ và nhỏ với mức 15% hoặc 17% theo mức doanh thu tương ứng không quá 3 tỷ đồng hoặc 50 tỷ đồng;
  • Sửa đổi mức thuế suất với thu nhập từ hoạt động “chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng tài sản” của doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam theo mức 2% theo doanh thu phát sinh.

7. Ưu đãi thuế TNDN

  • Sửa đổi quy định về đối tượng ưu đãi thuế TNDN, cụ thể:
    • Không áp dụng ưu đãi đối với một số ngành nghề như phát triển công nghệ sinh học; tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản; dự án sản xuất có quy mô vốn tối thiểu 6,000 tỷ đồng; dự án đầu tư tại khu công nghệ cao nhưng không thuộc lĩnh vực công nghệ cao;
    • Bổ sung ngành nghề ưu đãi đầu tư đối với dự án sản xuất, lắp ráp ô tô;
    • Sửa đổi quy định về địa bàn ưu đãi và ưu đãi theo địa bàn, theo đó: khu công nghiệp không còn thuộc địa bàn ưu đãi; khu kinh tế, khu công nghệ được hưởng ưu đãi bao gồm cả khu công nghệ thông tin tập trung; giảm mức ưu đãi đối với dự án đầu tư mới tại khu kinh tế thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội thuận lợi.
  • Sửa đổi quy định về ưu đãi với dự án đầu tư mở rộng (“ĐTMR”) đáp ứng yêu cầu về ưu đãi theo hướng đơn giản hóa, theo đó:
    • Nếu dự án gốc còn trong thời gian hưởng ưu đãi: Được hưởng ưu đãi theo dự án ban đầu cho thời gian còn lại và không phải hạch toán riêng thu nhập tăng thêm từ dự án ĐTMR;
    • Nếu dự án gốc đã hết thời gian hưởng ưu đãi: khoản thu nhập tăng thêm từ dự án ĐTMR được miễn thuế, giảm thuế, bằng với thời gian miễn, giảm áp dụng đối với dự án đầu tư mới cùng ngành nghề, địa bàn ưu đãi, tính từ năm dự án đầu tư hoàn thành vốn đầu tư đã đăng ký. Trường hợp không hạch toán riêng được thu nhập tăng thêm, doanh nghiệp phân bổ theo tỷ lệ tài sản cố định đầu tư mới trên tổng nguyên giá tài sản cố định của doanh nghiệp.
  • Trường hợp khoản thu nhập của doanh nghiệp đáp ứng nhiều điều kiện ưu đãi khác nhau thì doanh nghiệp được lựa chọn theo điều kiện có lợi nhất và áp dụng ổn định trong toàn bộ thời gian hưởng ưu đãi;
  • Trong một số trường hợp cụ thể, nếu khoản thu nhập của doanh nghiệp đáp ứng điều kiện ưu đãi về thuế suất thuế TNDN, đồng thời cũng đáp ứng các điều kiện ưu đãi theo lĩnh vực khác hoặc địa bàn ưu đãi mà doanh nghiệp lựa chọn hưởng ưu đãi theo lĩnh vực khác hoặc địa bàn, sau khi hết thời gian ưu đãi khác hoặc theo địa bàn thì được chuyển sang áp dụng mức ưu đãi thuế suất cho thời gian còn lại;
  • Sửa đổi về thời gian bắt đầu ưu đãi thuế trong trường hợp doanh nghiệp được hưởng ưu đãi dựa trên Giấy chứng nhận dự án ứng dụng công nghệ cao, Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao, Giấy chứng nhận nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Giấy chứng nhận doanh ngiệp khoa học, Giấy chứng nhận ưu đãi dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (“Giấy chứng nhận, Giấy xác nhận ưu đãi”) sau thời điểm phát sinh thu nhập, theo đó, thời gian miễn, giảm thuế được tính từ năm được cấp Giấy chứng nhận, Giấy xác nhận ưu đãi. Trường hợp năm cấp Giấy chứng nhận, Giấy xác nhận ưu đãi mà chưa có thu nhập thì thời gian miễn, giảm thuế được tính kể từ năm đầu tiên có thu nhập, hoặc tính từ năm thứ 4 kể từ năm có Giấy chứng nhận, Giấy xác nhận ưu đãi nếu trong 3 năm đầu không có thu nhập chịu thuế.

8. Thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu

  • Dự thảo Luật dành một chương để quy định về thuế TNDN bổ sung theo mô hình chuẩn của OECD.

Vui lòng liên hệ với KPMG nếu doanh nghiệp cần trao đổi thêm về Dự thảo luật thuế TNDN.