1. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xúc tiến thương mại.

Ngày 29/02/2024, Thủ tướng Chính phủ, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương, ban hành Quyết định số 209/QĐ-TTg, có hiệu lực cùng ngày, nhằm cắt giảm và đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương trong năm 2024. Cụ thể:

(a) Cắt giảm thủ tục thông báo đối với các hoạt động khuyến mại đơn giản: nhằm giúp doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường và giảm bớt gánh nặng chi phí cho việc tuân thủ thủ tục hành chính, thủ tục thông báo không còn bắt buộc đối với các hoạt động xúc tiến thương mại sau:

(i) Tổ chức cho khách hàng tham gia các chương trình văn hóa, nghệ thuật, giải trí và các sự kiện khác vì mục đích khuyến mại;

(ii) Đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền;

(iii) Tặng hàng hóa, cung ứng dịch vụ không thu tiền;

(iv) Giảm giá bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; và

(v) Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ.

(b) Giảm bớt các thành phần của hồ sơ xúc tiến thương mại bằng cách cắt giảm các tài liệu sau đây ra khỏi hồ sơ:

(i) “Bản sao không cần chứng thực giấy tờ về chất lượng của hàng hóa khuyến mại” trong hồ sơ đăng ký chương trình khuyến mại mang tính may rủi; và

(ii) “Bản sao không cần chứng thực giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định thành lập hoặc các quyết định khác có giá trị pháp lý tương đương” trong hồ sơ đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại.

(c) Tăng tính linh hoạt cho doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại: yêu cầu người ký hồ sơ là “người đại diện của doanh nghiệp” nói chung thay vì “người đại diện theo pháp luật” như được quy định chặt chẽ trước đây.

2. Nghị định sửa đổi và bổ sung các quy định trước đây về văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài

Ngày 07/02/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 14/2024/NĐ-CP (“Nghị định 14”), có hiệu lực từ ngày 25/3/2024, sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý Ngoại thương về một số biện pháp phát triển ngoại thương.

Nhìn chung, Nghị định 14 đã tạo điều kiện thuận lợi cho các thủ tục cấp phép liên quan đến Giấy phép thành lập (“Giấy phép VPĐD”) của các Văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài (“VPĐD”) bằng các cách sau:

(a) Phân cấp cơ quan có thẩm quyền: từ Bộ Công Thương thành Sở Công Thương nơi VPĐD đặt trụ sở.

(b) Bổ sung phương thức nộp hồ sơ: hồ sơ liên quan đến Giấy phép VPĐD có thể nộp trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công quốc gia hoặc Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, bên cạnh việc nộp trực tiếp như thông thường.

(c) Cắt giảm các tài liệu không cần thiết: việc nộp “Bản sao không cần chứng thực của hợp đồng, thỏa thuận hoặc các giấy tờ liên quan về địa điểm đặt trụ sở VPĐD” không còn yêu cầu trong hồ sơ đề nghị cấp/sửa đổi Giấy phép VPĐD.

(d) Làm rõ thời gian/ thời hạn cho thủ tục cấp phép, cụ thể:

(i) Thời hạn tiến hành đề nghị điều chỉnh Giấy phép VPĐD được siết lại từ 30 ngày làm việc còn 30 ngày.

(ii) Thời hạn xử lý theo luật định được xác định và rút ngắn như sau:

Đối với hồ sơ cấp Giấy phép VPĐD: từ 15 ngày làm việc thành 20 ngày (hoặc 40 ngày đối với trường hợp phải tham vấn ý kiến của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng); và

Đối với hồ sơ sửa đổi/ cấp lại/ gia hạn Giấy phép VPĐD: từ 10 ngày làm việc thành 14 ngày (hoặc kéo dài đến 26 ngày đối với trường hợp thay đổi địa điểm đặt trụ sở VPĐD sang tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác).

(iii) Thời hạn để các cơ quan có liên quan (Bộ Công an, Bộ Quốc phòng) cho ý kiến bằng văn bản là không quá 14 ngày kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.