Theo chương trình sửa đổi các luật thuế trong năm 2024, dự án luật thuế Giá Trị Gia Tăng (“GTGT”) sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (diễn ra vào tháng 5/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (diễn ra vào tháng 10/2024). 

Để hoàn thiện dự thảo luật, Bộ Tài chính đã công bố và đang lấy ý kiến về nội dung dự thảo luật thuế GTGT với một số đề xuất sửa đổi bổ sung đáng chú ý như sau:

1. Đối tượng không chịu thuế GTGT

  • Giữ nguyên quy đinh dịch vụ cấp tín dụng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Tuy nhiên, việc xác định dịch vụ của các tổ chức tín dụng thuộc đối tượng chịu thuế GTGT hay không chịu thuế GTGT sẽ căn cứ vào quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng, thay vì được liệt kê chi tiết trong luật thuế GTGT;
  • Thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT trong hoạt động kinh doanh chứng khoán trên cơ sở đồng bộ với các dịch vụ kinh doanh chứng khoán được quy định tại Luật chứng khoán. Các hoạt động chứng khoán khác không được nêu cụ thể trong dự thảo luật sửa đổi sẽ không còn thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT;
  • Quy định cụ thể các giao dịch được coi là chuyển nhượng vốn thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, nhằm phân biệt với hoạt động chuyển nhượng dự án đầu tư và bán tài sản thuộc đối tượng chịu thuế GTGT;
  • Quy định rõ hoạt động bán nợ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT gồm hoạt động bán nợ và bán khoản phải thu của cơ sở kinh doanh;
  • Bổ sung quy định hàng hóa nhập khẩu của công ty cho thuê tài chính để cho doanh nghiệp trong khu phi thuế quan thuê tài chính thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT;
  • Tăng mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ (“HHDV”) không chịu thuế GTGT của hộ, cá nhân kinh doanh từ mức 100 triệu đồng/năm lên 150 triệu đồng/năm;
  • Bổ sung quy định “hàng hóa nhập khẩu ủng hộ, tài trợ cho phòng chống thiên tai, thảm họa dịch bệnh, chiến tranh theo quy định của Chính phủ” thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

2. Thuế suất thuế GTGT

  • Thu hẹp nhóm “dịch vụ xuất khẩu thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%” chỉ áp dụng đối với với 03 nhóm dịch vụ được cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài gồm: Dịch vụ cho thuê phương tiện vận tải được sử dụng ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam; Dịch vụ vận tải quốc tế; và Dịch vụ của ngành hàng không, hàng hải cung ứng trực tiếp cho vận tải quốc tế;
  • Chuyển mặt hàng phân bón, tàu khai thác thủy sản và các loại máy móc thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp sang áp dụng 5% thuế GTGT, thay vì thuộc nhóm đối tượng “không chịu thuế” như hiện nay;
  • Bổ sung quy định “thiết bị, máy móc, dụng cụ y tế;” thuộc đối tượng áp dụng 5% thuế GTGT được xác định theo quy định của pháp luật về quản lý trang thiết bị y tế (tức là có tính đến mục đích sử dụng khi xác định mức thuế suất áp dụng);
  • Bổ sung quy định hàng đã bán tại cửa hàng miễn thuế thuộc đối tượng áp dụng thuế GTGT 0% đối với hàng hóa xuất khẩu.

3. Đề xuất Khấu trừ thuế GTGT đầu vào

  • Bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp được kê khai, khấu trừ số thuế GTGT đầu vào bị bỏ sót vào kỳ phát hiện sai sót, trước khi cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế;
  • Phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với khoản thanh toán từ 05 triệu đồng, thay vì 20 triệu đồng như hiện hành;
  • Bổ sung một số chứng từ để đủ điều kiện khấu trừ, hoàn thuế đối với HHDV xuất khẩu bao gồm phiếu đóng gói, vận đơn, chứng từ bảo hiểm hàng hóa.

4. Các trường hợp được hoàn thuế GTGT đầu vào

  • Mở rộng đối tượng hoàn thuế GTGT cho các trường hợp sau đây:
    • Cơ sở kinh doanh chỉ sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 5% phát sinh số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết từ 300 triệu đồng trở lên sau 12 tháng hoặc 04 quý;
    • Cơ sở kinh doanh kinh doanh đã đăng ký nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ có dự án đầu tư (bao gồm dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng) theo quy định của pháp luật đầu tư đang trong giai đoạn đầu tư có số thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư chưa được khấu trừ hết từ 300 triệu đồng trở lên. Thời hạn để cơ sở kinh doanh thực hiện hoàn thuế GTGT là không quá 01 năm kể từ ngày dự án đầu tư hoặc giai đoạn đầu tư/hạng mục đầu tư hoàn thành.
  • Bỏ quy định xác định tỷ lệ 51% đối với sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản cho mục đích hoàn thuế GTGT. Thay vào đó, sẽ có Danh mục do Chính Phủ quy định  các sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chế biến thành sản phẩm khác, thuộc đối tượng được hoàn thuế GTGT;
  • Bỏ quy định không hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh không góp đủ vốn điều lệ như đăng ký;
  • Bỏ quy định về hoàn thuế GTGT đối với chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chấm dứt hoạt động.

Dự thảo luật thuế GTGT cũng đề xuất một số sửa đổi, bổ sung nhằm đồng bộ với quy định pháp luật chuyên ngành, luật hóa các quy định đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới luật đồng thời nhằm mục đích đảm bảo chính sách minh bạch, tránh vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Vui lòng liên hệ KPMG để được tư vấn các vấn đề quý doanh nghiệp đang quan tâm.