Ngày 29 tháng 11 năm 2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Nghị quyết sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2024.
Là một thành viên của Diễn đàn hợp tác chung về quy định chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận toàn cầu (IF), Việt Nam vừa thông qua Nghị quyết về việc áp dụng Quy định về tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (“IIR”) và Quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (“QDMTT”). Các quy định của Nghị quyết nhất quán và phù hợp với Quy định mẫu chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (GloBE) của OECD (sau đây gọi là “Quy định thuế tối thiểu toàn cầu”), với những nội dung chính như sau:
- Các tập đoàn đa quốc gia có quy mô lớn phải nộp thuế ở mức thuế suất tối thiểu là 15% trên lợi nhuận/ thu nhập tại các quốc gia/ vùng lãnh thổ mà tập đoàn hoạt động.
- Công ty thành viên của tập đoàn đa quốc gia có doanh thu trong báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ tối cao ít nhất hai (02) năm trong bốn (04) năm liền kề trước năm tài chính tương đương 750 triệu EUR trở lên, sẽ thuộc đối tượng áp dụng của Nghị quyết. Nếu thuế suất thực tế (được tính trên cơ sở toàn bộ các công ty thành viên của tập đoàn tại một nước) thấp hơn mức thuế suất tối thiểu 15%, Việt Nam sẽ thu thuế bổ sung theo quy định tại Nghị quyết.
- Thời hạn nộp tờ khai và nộp thuế bổ sung:
- Đối với QDMTT: chậm nhất là 12 tháng sau ngày kết thúc năm tài chính; và
- Đối với IIR: chậm nhất là 15 tháng sau ngày kết thúc năm tài chính, và chậm nhất 18 tháng đối với năm đầu tiên.
Ý kiến của KPMG Việt Nam
Việc Việt Nam ban hành Nghị quyết thực hiện quy định về thuế tối thiểu bổ sung QDMTT và IIR là cần thiết và phù hợp theo Quy định thuế tối thiểu toàn cầu. Quy định thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động đáng kể đến chi phí thuế của các tập đoàn đa quốc gia thuộc phạm vi áp dụng, đặc biệt là những tập đoàn đang được hưởng mức ưu đãi thuế đáng kể tại Việt Nam, đồng thời, quy định cũng đặt ra yêu cầu đối với các tập đoàn này phải tuân thủ các thủ tục hành chính mới, như việc tính toán thuế suất thực tế và thuế bổ sung trên cơ sở toàn bộ các công ty thành viên trong một nước.
Các công ty đang hoạt động tại Việt Nam thuộc phạm vi áp dụng sẽ cần có những bước chuẩn bị để tuân thủ các quy định tại Nghị quyết, như việc phân tích tác động, tính toán thuế suất thực tế và thuế bổ sung, cũng như việc kê khai theo quy định, v.v.
Việc triển khai Quy định thuế tối thiểu toàn cầu cũng đòi hỏi Chính phủ Việt Nam phải đánh giá lại chính sách khuyến khích và thu hút đầu tư, đặc biệt đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vì cơ chế ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành có thể sẽ không còn mang tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư thuộc đối tượng áp dụng trong bối cảnh Quy định thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng. Trong thời gian tới, chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ ban hành các biện pháp mới, thuế và phi thuế, nhằm cải thiện và nâng cao khả năng cạnh tranh trong thu hút đầu tư.
Vui lòng liên hệ KPMG để có thông tin cập nhật nhất, cũng như được tư vấn về việc tuân thủ thuế theo quy định của Nghị quyết đối với hoạt động kinh doanh của quý doanh nghiệp tại Việt Nam.
Tải bản tin về máy
Cập nhật thông tin
Đăng ký cổng Cập nhật Thuế và Pháp luật của KPMG để nhận thông tin mới nhất về hòm thư của quý vị
Đăng ký tại đây Opens in a new window