1. Luật Đấu thầu 2023
Ngày 23/06/2023, Quốc hội Việt Nam ban hành Luật số 22/2023/QH15 về đấu thầu (“Luật Đấu thầu 2023”), có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2024 và thay thế Luật số 43/2013/QH13 về đấu thầu (được sửa đổi, bổ sung tại từng thời điểm, sau đây gọi là “Luật Đấu thầu 2013”). Một số điểm thay đổi đáng lưu ý trong Luật Đấu thầu 2023 bao gồm:
a) Mở rộng và làm rõ phạm vi, đối tượng áp dụng
i. Bên cạnh hoạt động đấu thầu của các doanh nghiệp Nhà nước như được điều chỉnh tại Luật Đấu thầu 2013, Luật Đấu thầu 2023 mở rộng áp dụng đối với cả hoạt động lựa chọn nhà thầu để thực hiện các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp do doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
ii. Luật Đấu thầu 2023 làm rõ phạm vi áp dụng hoạt động đấu thầu trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, gồm (A) dự án đầu tư có sử dụng đất thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đất đai, và (B) dự án đầu tư thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực. Đáng lưu ý, Luật Đấu thầu 2023 quy định trong thời gian kể từ ngày 01/01/2024 đến ngày Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực thi hành, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất được tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu 2013 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
b) Làm rõ phạm vi áp dụng tổ chức đấu thầu quốc tế
i. Tương tự luật hiện hành, Luật Đấu thầu 2023 quy định hai loại hoạt động đấu thầu là đấu thầu trong nước (là hoạt động đấu thầu chỉ có nhà thầu, nhà đầu tư trong nước được tham dự thầu) và đấu thầu quốc tế (là hoạt động đấu thầu mà nhà thầu, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài được tham dự thầu).
ii. Đối với đầu thầu quốc tế trong dự án đầu tư kinh doanh, Luật Đấu thầu 2023 quy định việc tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện đối với các dự án đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu 2023, trừ khi thuộc các trường hợp loại trừ không áp dụng đấu thầu quốc tế (“Danh mục Loại trừ”).
iii. Danh mục Loại trừ bao gồm các dự án thuộc danh mục ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư; dự án thực hiện tại khu vực hạn chế sử dụng đất, khu vực biển hạn chế sử dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan; dự án có tổng vốn đầu tư dưới 800 tỷ VND; và một số trường hợp khác.
c) Mở rộng tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu
i. Luật hiện hành quy định tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu bao gồm các tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm, tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, và tiêu chuẩn đánh giá về tài chính. Luật Đấu thầu 2023 mở rộng các tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư, bao gồm:
- Tiêu chuẩn đánh giá năng lực của nhà đầu tư về tài chính, khả năng thu xếp vốn, kinh nghiệm thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh tương tự;
- Tiêu chuẩn đánh giá phương án đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư, trong đó bao gồm các tiêu chuẩn về kỹ thuật, xã hội, môi trường;
- Tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương.
ii. Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu được xây dựng theo thang điểm 100 hoặc 1.000. Điểm tổng hợp được tính trên cơ sở kết hợp giữa các tiêu chuẩn nêu trên. Nhà đầu tư đáp ứng điểm tối thiểu của từng tiêu chuẩn và có điểm tổng hợp cao nhất được xếp hạng thứ nhất. Quy định chi tiết về các tiêu chuẩn và cách thức tính điểm đánh giá hồ sơ dự thầu sẽ được ban hành bởi Chính phủ.
d) Quy định về nội dung hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh và biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng
i. Luật Đấu thầu 2023 quy định các nội dung cơ bản cần phải có trong hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh, bao gồm: thông tin về các bên ký kết hợp đồng; thông tin về dự án đầu tư kinh doanh (quy mô và tổng vốn đầu tư, điều kiện sử dụng đất và tài nguyên khác, phương án, yêu cầu về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường, trường hợp bất khả kháng và phương án xử lý trong trường hợp bất khả kháng); nghĩa vụ của nhà đầu tư trong việc thực hiện các cam kết đã đề xuất trong hồ sơ dự thầu; việc thành lập doanh nghiệp để quản lý dự án đầu tư kinh doanh; bảo đảm thực hiện hợp đồng; các nguyên tắc, điều kiện sửa đổi, chấm dứt hợp đồng; chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ của các bên; pháp luật điều chỉnh hợp đồng và cơ chế giải quyết tranh chấp; v.v.
ii. Luật Đấu thầu 2023 yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện một trong các biện pháp sau đây để bảo đảm trách nhiệm thực hiện hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh: (A) nộp thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng trong nước hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam; hoặc (B) nộp giấy chứng nhận bảo hiểm bảo lãnh của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước, hoặc chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam.
2. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023
Ngày 20/06/2023, Quốc hội Việt Nam ban hành Luật số 19/2023/QH15 về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (“Luật BVQLNTD 2023”), có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2024 và thay thế Luật số 59/2010/QH12 về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, được sửa đổi, bổ sung năm 2018 (“Luật BVQLNTD 2010”). Một số điểm thay đổi đáng lưu ý trong Luật BVQLNTD 2023 bao gồm:
a) Mở rộng và làm rõ đối tượng áp dụng
i. Bên cạnh người tiêu dùng, tổ chức và cá nhân kinh doanh, và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định tại Luật BVQLNTD 2010, Luật BVQLNTD 2023 mở rộng đối tượng áp dụng bao gồm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, và tổ chức xã hội - nghề nghiệp tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
ii. Luật BVQLNTD 2023 cũng làm rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thuộc đối tượng áp dụng của luật bao gồm cả cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
b) Mở rộng phạm vi các hành vi bị nghiêm cấm
Luật BVQLNTD 2023 quy định bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đáng lưu ý như sau:
i. Đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh: không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng do nhầm lẫn của tổ chức, cá nhân kinh doanh, hoặc do sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không đúng với đăng ký, thông báo, công bố, quảng cáo; thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng trái quy định của pháp luật; v.v.;
ii. Đối với tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp: yêu cầu người khác phải đặt cọc, nộp một khoản tiền hoặc mua một số lượng hàng hóa nhất định để tham gia bán hàng đa cấp; cung cấp thông tin gian dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, cá nhân tham gia bán hàng đa cấp; v.v.;
iii. Đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số: ép buộc hoặc ngăn cản người tiêu dùng đăng ký sử dụng hoặc sử dụng nền tảng số trung gian khác như là điều kiện bắt buộc để sử dụng dịch vụ; hạn chế quyền lựa chọn của người tiêu dùng thông qua việc sắp xếp ưu tiên lựa chọn sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ giữa các tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp trên nền tảng số mà không công khai tiêu chí lựa chọn; v.v.
c) Quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù
Luật BVQLNTD 2023 quy định riêng Chương III về giao dịch đặc thù giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng, trong đó gồm các giao dịch từ xa, cung cấp dịch vụ liên tục (nghĩa là việc cung cấp dịch vụ có thời hạn từ 03 tháng trở lên hoặc không xác định thời hạn), và bán hàng trực tiếp. Luật BVQLNTD 2023 quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù bao gồm một số điểm đáng lưu ý sau:
i. Đối với giao dịch từ xa:
- Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải cung cấp chính xác và đầy đủ cho người tiêu dùng các thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh và phương thức liên hệ; thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; thông tin về giá và phương thức, thời hạn thanh toán; chi tiết về công dụng, cách thức sử dụng sản phẩm; quy trình tiếp nhận và giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng; và một số thông tin khác; cũng như có trách nhiệm xây dựng công cụ và thực hiện biện pháp bảo đảm cung cấp chính xác, đầy đủ nội dung hợp đồng để người tiêu dùng nghiên cứu, trao đổi làm rõ nội dung hợp đồng và xác nhận đồng ý giao kết hợp đồng; v.v.
- Trong giao dịch trên không gian mạng, tổ chức, cá nhân kinh doanh cũng phải tuân thủ các quy định chi tiết về công bố thông tin, xây dựng và công bố công khai quy chế hoạt động của nền tảng số trung gian, tuân thủ các quy định về dán nhãn hàng hóa và hiển thị thông tin sản phẩm, thiết lập giải pháp lưu trữ thông tin, quảng cáo, các nghĩa vụ báo cáo, v.v.
ii. Đối với cung cấp dịch vụ liên tục: Tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp dịch vụ liên tục trên lãnh thổ Việt Nam có trách nhiệm thông báo công khai về đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền tại Việt Nam, và đại diện đó có trách nhiệm thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh này không được yêu cầu người tiêu dùng thanh toán bất kỳ khoản tiền nào trước khi dịch vụ được cung cấp đến người tiêu dùng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, cũng như không được đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, ngừng cung cấp dịch vụ không đúng hợp đồng hoặc trái quy định của pháp luật.
iii. Đối với bán hàng trực tiếp (bao gồm hoạt động bán hàng tận cửa, bán hàng đa cấp, và bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên): Tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm tuân thủ các quy định về công bố thông tin, cung cấp hợp đồng đáp ứng yêu cầu của pháp luật cho người tiêu dùng, và các trách nhiệm khác trong hoạt động bán hàng trực tiếp. Trong hoạt động bán hàng tận cửa và bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên, người tiêu dùng được quyền cân nhắc lại việc quyết định thực hiện hợp đồng và đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng đã giao kết trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày giao kết hợp đồng, bằng cách thông báo cho tổ chức, cá nhân kinh doanh.
d) Giải quyết tranh chấp với người tiêu dùng
Tương tự như Luật BVQLNTD 2010, bốn phương thức giải quyết tranh chấp với người tiêu dùng được quy định tại Luật BVQLNTD 2023 bao gồm thương lượng, hòa giải, trọng tài và giải quyết tranh chấp tại tòa án. Thay đổi chính trong Luật BVQLNTD 2023 liên quan đến các quy định về thương lượng, theo đó Luật BVQLNTD 2023 đưa ra các điều khoản cụ thể hơn về trình tự, thủ tục thương lượng, các trường hợp không tiếp nhận và giải quyết yêu cầu hỗ trợ thương lượng, các quyền và trách nhiệm của các bên trong quá trình thương lượng, và kết quả thương lượng. Đối với giải quyết tranh chấp tại tòa án, các vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có giá trị giao dịch dưới 100 triệu VND sẽ được giải quyết theo thủ tục rút gọn mà không phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự để áp dụng thủ tục rút gọn.
Xin vui lòng liên hệ bà Bùi Thị Thanh Ngọc – Luật sư Thành viên, Công ty Luật TNHH KPMG tại địa chỉ email ntbui@kpmg.com.vn, bà Nguyễn Thị Thùy Dung – Phó Giám đốc, Công ty Luật TNHH KPMG tại địa chỉ email dungtnguyen2@kpmg.com.vn, hoặc nhân sự KPMG mà Quý khách hàng thường xuyên liên hệ để có thêm thông tin về các vấn đề nêu trên.
Tải bản tin về máy
Cập nhật thông tin
Đăng ký cổng Cập nhật Thuế và Pháp luật của KPMG để nhận thông tin mới nhất về hòm thư của quý vị
Đăng ký tại đây Opens in a new window