Sau khi Luật số 23/2023/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật XNC sửa đổi số 23) được ban hành và có hiệu lực từ ngày 15/08/2023, vào ngày 15/08/2023, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 127/NQ-CP và Nghị quyết số 128/NQ-CP nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.

Theo đó, một số điểm đáng chú ý trong hai nghị quyết này bao gồm:

1. Nghị quyết số 127/NQ-CP ban hành ngày 14/08/2023 về việc cấp thị thực điện tử

  • Theo Nghị quyết số 127, Chính phủ Việt Nam thực hiện cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước và vùng lãnh thổ
  • Người nước ngoài được cấp thị thực điện tử có thể nhập cảnh vào Việt Nam qua 13 cửa khẩu đường hàng không, 16 cửa khẩu đường bộ và 13 cửa khẩu đường biển
  • Nghị quyết số 127 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2023

2. Nghị quyết số 128/NQ-CP ban hành ngày 14/08/2023 liên quan đến chính sách miễn thị thực đơn phương

  • Công dân của các quốc gia sau đây sẽ được miễn thị thực với thời hạn tạm trú 45 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh:

‒ Cộng hòa Liên bang Đức

‒ Cộng hòa Pháp

‒ Cộng hòa Italia

‒ Liên hiệp Vương quốc Tây Ban Nha

‒ Vương quốc Anh và Bắc Ireland

‒ Vương quốc Đan Mạch

‒ Cộng hòa Phần Lan

‒ Liên bang Nga

‒ Nhật Bản

‒ Vương quốc Na Uy

‒ Đại Hàn Dân Quốc

‒ Vương quốc Thụy Điển

‒ Cộng hòa Bê-la-rút

  • Nghị quyết số 128 sửa đổi Điều 1 Nghị quyết số 32/NQ-CP ban hành ngày 15 tháng 3 năm 2022 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2023 đến ngày 14/03/2025.

Lưu ý của KPMG
Các Nghị quyết đề cập bên trên cùng với Luật XNC sửa đổi số 23 sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người nước ngoài đến Việt Nam để thực hiện các hoạt động kinh doanh và đầu tư. Đối với các doanh nghiệp và cá nhân từ những quốc gia kể trên có kế hoạch đến Việt Nam để thực hiện các hoạt động kinh doanh xuyên biên giới, việc cập nhật kịp thời những thay đổi này góp phần quan trọng trong việc quản lý kế hoạch điều chuyển nhân sự và ngân sách nhằm đảm bảo các chuyến công tác của người lao động nước ngoài diễn ra suôn sẻ.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý Xuất nhập cảnh cũng yêu cầu người nước ngoài khi kê khai mẫu hồ sơ đề nghị cấp thị thực điện tử phải liệt kê thời gian và mục đích các chuyến đi đến Việt Nam trong vòng một năm trước thời điểm nộp hồ sơ. Vì vậy, để tránh các vấn đề phát sinh khi nộp hồ sơ cũng như bị cơ quan chức năng yêu cầu giải trình, người nước ngoài đến Việt Nam cho các mục đích công tác/làm việc cũng cần tuân thủ các quy định về lao động tại Việt Nam.
Vui lòng liên hệ KPMG nếu cần giải đáp thêm.