1. Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền

Ngày 28/04/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 19/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền (“Nghị định 19”) thay thế Nghị định số 116/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 87/2019/NĐ-CP). Nghị định 19 có hiệu lực kể từ ngày ban hành với những điểm đáng lưu ý như sau:

  • Quy định chi tiết về nguyên tắc, tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền (“RRQGVRT”), theo đó:

i. Về nguyên tắc, việc đánh giá RRQGVRT (a) phải được thực hiện theo đúng và phù hợp với chuẩn mực quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam; (b) phải xác định được mức độ RRQGVRT; (c) phải là cơ sở để xây dựng kế hoạch, chiến lược và cập nhật chính sách về RRQGVRT; (d) phải sử dụng thông tin, dữ liệu được thu thập công khai, minh bạch và đảm bảo tuân thủ quy định về bảo vệ bí mật nhà nước;

ii. Về tiêu chí, việc đánh giá RRQGVRT sẽ dựa trên 3 tiêu chí lớn, bao gồm: (a) tiêu chí nguy cơ rửa tiền; (b) tiêu chí mức độ phù hợp của các chính sách, biện pháp phòng, chống rửa tiền; và (c) tiêu chí hậu quả rửa tiền của quốc gia và của ngành, lĩnh vực;

iii. Về phương pháp, việc đánh giá RRQGVRT áp dụng phương pháp chấm điểm theo thang điểm từ 1 đến 5, tương ứng với mức rủi ro từ thấp đến cao, áp dụng đối với từng tiêu chí như đã nêu ở trên.

  • Tăng mức tổng giá trị của các giao dịch mà các tổ chức tài chính và các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính (như trò chơi có thưởng, kinh doanh kim khí quý và đá quý) phải thực hiện thủ tục nhận biết khách hàng (KYC), cụ thể:

i. Tổ chức tài chính phải nhận biết khách hàng không có tài khoản hoặc có tài khoản nhưng không giao dịch trong thời gian 6 tháng liên tục trước đó thực hiện giao dịch nộp, rút hoặc chuyển khoản có tổng giá trị từ 400.000.000 đồng hoặc bằng ngoại tệ có giá trị tương đương trở lên trong một ngày (tăng lên từ 300.000.000 đồng so với Nghị định cũ);

ii. Tổ chức, cá nhân kinh doanh trò chơi có thưởng, bao gồm: trò chơi điện tử có thưởng; trò chơi trên mạng viễn thông, mạng Internet; casino; xổ số; đặt cược phải nhận biết khách hàng khi khách hàng thực hiện giao dịch với tổng giá trị từ 70.000.000 đồng hoặc bằng ngoại tệ có giá trị tương đương trở lên trong một ngày (tăng lên từ 60.000.000 đồng so với Nghị định cũ);

iii. Tổ chức, cá nhân kinh doanh kim khí quý và đá quý phải nhận biết khách hàng khi khách hàng thực hiện giao dịch bằng tiền mặt mua hoặc bán kim khí quý, đá quý có giá trị từ 400.000.000 đồng hoặc bằng ngoại tệ tiền mặt có giá trị tương đương trở lên trong một ngày (tăng lên từ 300.000.000 đồng so với Nghị định cũ).

  • Bổ sung quy định về cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo, bao gồm:

i. Cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

ii. Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc Viện kiểm sát nhân dân khi thực hiện nhiệm vụ theo quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can; cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia của Công an nhân dân khi có yêu cầu cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo về phòng chống rửa tiền;

iii. Cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đối với đối tượng báo cáo.

Theo đó, khi nhận được yêu cầu từ một trong các cơ quan có thẩm quyền nêu trên, đối tượng báo cáo phải cung cấp kịp thời thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo theo quy định cho cơ quan đưa ra yêu cầu.

2. Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp

Ngày 28/04/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 18/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/03/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp (“Nghị định 18”). Nghị định 18 sẽ có hiệu lực vào ngày 20/06/2023 với những điểm đáng lưu ý như sau:

  • Bổ sung thêm điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Theo đó, trong trường hợp tổ chức đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp là doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là chủ sở hữu hoặc thành viên hoặc cổ đông, tất cả các nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đó phải có thời gian hoạt động bán hàng đa cấp trong thực tế tối thiểu là 03 năm liên tục ở một nước, vùng lãnh thổ trên thế giới.
  • Bổ sung thêm quy định về Thông báo tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp theo hình thức trực tuyến, cụ thể:

i. Nếu có sự tham gia của người tham gia bán hàng đa cấp tại một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, doanh nghiệp thông báo đến Sở Công Thương của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đó;

ii. Nếu có sự tham gia của người tham gia bán hàng đa cấp tại nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, doanh nghiệp thông báo đến Sở Công Thương nơi doanh nghiệp có trụ sở chính.

  • Bổ sung thêm quy định về về trách nhiệm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp, theo đó:

i. Đảm bảo tối thiểu 20% doanh thu bán hàng đa cấp trong một năm tài chính là doanh thu từ khách hàng không phải là người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp đó;

ii. Không cung cấp thông tin về thực phẩm bằng hình thức sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế; không cung cấp thông tin về thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh. Trách nhiệm này cũng được bổ sung tương tự cho người tham gia bán hàng đa cấp.

  • Làm rõ quy định về mục đích sử dụng khoản tiền kỹ quỹ của doanh nghiệp bán hàng đa cấp đối với người tham gia bán hàng đa cấp và Nhà nước, cụ thể:

i. Dùng để chi trả các nghĩa vụ phát sinh từ hoạt động bán hàng đa cấp hợp pháp, bao gồm nghĩa vụ trả thưởng theo kế hoạch trả thưởng;

ii. Dùng để chi trả nghĩa vụ mua lại hàng hóa nếu người tham gia trả lại hàng; và

iii. Dùng để chi trả nghĩa vụ trả lại tiền trong trường hợp giao, nhận và gửi hàng hóa không đúng theo quy định.

3. Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều về trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực

Ngày 21/04/2023, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 10/2023/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2020/TT-BCT ngày 09/09/2020 quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực (“Thông tư 10”). Thông tư 10 sẽ có hiệu lực vào ngày 09/06/2023 với những điểm đáng lưu ý sau:

  • Sửa đổi các quy định về tài liệu chứng minh năng lực trong bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép. Theo đó, Thông tư 10 sửa đổi, bổ sung quy định về hồ sơ cấp giấy phép của các lĩnh vực tư vấn; phát điện; truyền tải điện, phân phối điện; bán buôn điện, bán lẻ điện theo hướng cụ thể hóa điều kiện về kinh nghiệm của chuyên gia tư vấn, người trực tiếp quản lý kỹ thuật, quản lý kinh doanh so với Thông tư trước đó.
  • Bổ sung quy định về thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động điện lực bán lẻ và phân phối điện. Theo đó, trong trường hợp giấy phép hoạt động điện lực lĩnh vực bán lẻ điện được cấp đồng thời với lĩnh vực phân phối điện, trong đó có lĩnh vực thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Cục Điều tiết điện lực thì cơ quan cấp giấy phép là Cục Điều tiết điện lực.
  • Bổ sung quy định về trách nhiệm của đơn vị điện lực được cấp giấy phép hoạt động điện lực khi đưa công trình điện lực đi vào vận hành thương mại hoặc vận hành chính thức, cụ thể:

i. Đơn vị điện lực phải đáp ứng đầy đủ các quy định pháp luật về quy hoạch, đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, đấu nối và các quy định pháp luật có liên quan trước khi đưa công trình điện lực vào vận hành chính thức;

ii. Đối với công trình điện lực thuộc trường hợp phải có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, đơn vị điện lực phải có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng trước ngày công trình điện lực vận hành thương mại hoặc được đưa vào vận hành chính thức.

  • Quy định cụ thể về hình thức nhận báo cáo, theo đó:

i. Đối với trường hợp gửi báo cáo cho Bộ Công Thương hoặc Cục Điều tiết điện lực theo hình thức trực tuyến: thực hiện qua hệ thống thư điện tử (địa chỉ: BChoatdongdienluc@moit.gov.vn) hoặc gửi qua Cổng dịch vụ công Bộ Công Thương;

ii. Đối với trường hợp gửi báo cáo cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Công Thương địa phương theo hình thức trực tuyến (nếu có) thực hiện theo hướng dẫn của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Công Thương địa phương.