1. Nghị định sửa đổi quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP nhằm sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều của các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (“Nghị định 08”). Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/03/2023 với một số điểm mới được kỳ vọng sẽ mở ra cánh cửa khơi thông thị trường. Có thể điểm qua ba điểm mới quan trọng của Nghị định 08 như sau:
- Doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong trường hợp gặp khó khăn khi thanh toán gốc và lãi trái phiếu thì có thể sử dụng các tài sản hợp pháp của mình để đàm phán với các nhà đầu tư thanh toán bằng tài sản. Việc này thực hiện dựa trên nguyên tắc tuân thủ các quy định của pháp luật dân sự và các pháp luật có liên quan, được sự nhất trí của các nhà đầu tư và phải đảm bảo tính pháp lý của tài sản cũng như công bố các thông tin có liên quan.
- Doanh nghiệp phát hành trái phiếu nếu gặp khó khăn thì có thể đàm phán với các nhà đầu tư để gia hạn thêm thời gian đối với trái phiếu. Thời gia gia hạn tối đa là 02 năm, cũng trên nguyên tắc là được sự nhất trí của các nhà đầu tư. Trong trường hợp nhà đầu tư không nhất trí thì doanh nghiệp vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình trên cơ sở các quy định trong phương án đã công bố trước đây.
- Tạm ngưng hiệu lực của quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân; quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành và quy định về thời gian để phát hành đối với một đợt trái phiếu đến hết ngày 31/12/2023.
2. Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế (“Nghị quyết 30”). Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 04/3/2023 và đã đưa ra nhiều điểm mới, tháo gỡ cơ bản những vướng mắc của các cơ sở y tế hiện nay. Một số điểm đáng lưu ý của Nghị quyết 30 như sau:
- Cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo kết quả lựa chọn nhà thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đấu thầu. Cụ thể, các hợp đồng được ký trước ngày 05/11/2022 sẽ tiếp tục thực hiện theo thời hạn của hợp đồng. Còn với các hợp đồng được ký từ ngày 05/11/2022 được tiếp tục thực hiện đến khi có văn bản quy phạm pháp luật quy định về vấn đề này (không còn thời hạn đến 05/11/2023), bao gồm cả các hợp đồng được ký theo hình thức mua sắm trực tiếp.
- Cho phép các cơ sở y tế được áp dụng thí điểm hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trong năm 2023. Cụ thể, khi xây dựng giá gói thầu, trường hợp cùng một chủng loại trang thiết bị y tế nhưng có nhiều hãng sản xuất, chủ đầu tư xem xét, quyết định việc giao hội đồng khoa học của đơn vị thực hiện việc xây dựng tính năng, cấu hình kỹ thuật theo yêu cầu chuyên môn của đơn vị, từ đó lấy báo giá và xác định giá gói thầu. Như vậy, Nghị quyết 30 hướng tới việc trước tiên phải lựa chọn được sản phẩm đạt yêu cầu về chuyên môn, sau đó mới xây dựng báo giá để giảm giá gói thầu. Đồng thời cũng sẽ loại bỏ được những sản phẩm không đảm bảo chất lượng.
- Cho phép các cơ sở y tế được sử dụng các trang thiết bị y tế đã được cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ (bao gồm các trang thiết bị y tế liên doanh, liên kết đã hết thời hạn hợp đồng) nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân để khám bệnh, chữa bệnh. Các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng trang thiết bị y tế này được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán.
3. Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia
Ngày 10/02/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 03/2023/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (“Nghị định 03”). Nghị định 03 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/4/2023 và thay thế Nghị định 07/2015/NĐ-CP ngày 16/01/2015 của Chính phủ quy định về cùng nội dung.
Mặc dù khái niệm Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã được đề cập trong Luật Cạnh tranh 2018 nhưng một Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia vẫn chưa chính thức được thành lập và đi vào hoạt động. Theo Nghị định 03, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan thuộc Bộ Công Thương, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và, thực hiện các chức năng:
i. tiến hành tố tụng cạnh tranh,
ii. kiểm soát tập trung kinh tế,
iii. quyết định việc miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm,
iv. giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật, và
v. tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp
- Về cơ cấu tổ chức, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có bộ máy giúp việc gồm: (i) Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh; (ii) Ban thư ký các hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh; và (iii) Ban giám sát cạnh tranh. Các cơ quan này sẽ được giao quyền xử lý tất cả các vấn đề liên quan đến cạnh tranh thuộc phạm vi quyền hạn của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
- Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có tối đa 15 thành viên, gồm chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia do Bộ trưởng Bộ Công thương bổ nhiệm, giúp việc cho chủ tịch là một hoặc một số phó chủ tịch và các thành viên khác.
Hiện tại, các vị trí chủ chốt của Ủy ban Cạnh tranh Quốc sẽ sớm được Bộ trưởng Bộ Công Thương bổ nhiệm. Khi đi vào hoạt động, dự kiến Ủy ban Cạnh tranh Quốc sẽ chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là tiến hành điều tra các giao dịch tập trung kinh tế với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng khác, đây là một việc chưa từng có trước đây bởi sự thiếu vắng một cơ quan quản lý trong vài năm qua.
4. Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành và hiện đang lấy ý kiến các cơ quan, bộ, ngành, địa phương và nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi (“Dự thảo LBHXH”), thay thế Luật Bảo hiểm Xã hội số 58/2014/QH13 (“Luật BHXH 2014”) trước khi trình Chính phủ và Quốc hội.
Dự thảo LBHXH được thiết kế gồm 09 chương (giữ nguyên số chương) và 133 điều (nhiều hơn 08 điều so với Luật BHXH 2014 hiện hành). Nội dung sửa đổi chính tập trung vào 05 nhóm chính sách lớn đã được Chính phủ, Quốc hội thông qua gồm: (i) Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt; (ii) Mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; (iii) Mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội (lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); (iv) Bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội; và (v) Đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.
Với mục tiêu sửa đổi căn bản, toàn diện Luật BHXH 2014, Dự thảo LBHXH có một số nội dung thay đổi chính như sau:
4.1 Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (“BHXH”) bắt buộc
Dự thảo LBHXH bổ sung 03 nhóm đối tượng là người lao động Việt Nam vào danh sách đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm: (i) Chủ hộ kinh doanh; (ii) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng lương; và (iii) NLĐ làm việc không trọn thời gian.
4.2 Về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc
Dự thảo LBHXH đề xuất 02 phương án sau đối với quy định về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động (“NLĐ”) đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động ("NSDLĐ”) quyết định:
Phương án 1. Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác được xác định bằng mức tiền cụ thể ghi trong hợp đồng lao động theo quy định pháp luật lao động.
Phương án 2. Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định pháp luật lao động.
Ngoài ra, Dự thảo LBHXH còn sửa đổi các nội dung quy định/chế độ gắn với mức lương cơ sở theo hướng quy định bằng số tiền cụ thể (bằng với mức tuyệt đối hiện hành) và sẽ được Chính phủ quy định chi tiết.
4.3 Sổ BHXH điện tử
Sổ BHXH điện tử sẽ thay thế sổ BHXH bản giấy và thẻ BHXH để theo dõi việc đóng, hưởng, là cơ sở để giải quyết các chế độ BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện bằng phương thức giao dịch điện tử.
4.4 Bổ sung chế tài xử lý vi phạm pháp luật về BHXH
Dự thảo LBHXH quy định cụ thể về hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc và bổ sung các biện pháp xử lý khi trốn đóng BHXH bắt buộc, bao gồm: (i) phải nộp số tiền bằng 0.03%/ngày trên số tiền trốn đóng; (ii) quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với trường hợp NSDLĐ trốn đóng từ 06 tháng trở lên và (iii) hoãn xuất cảnh đối với trường hợp NSDLĐ trốn đóng từ 12 tháng trở lên.
Chế tài quy định ở điểm (iii) không rõ sẽ chỉ áp dụng đối với NSDLĐ là cá nhân hay cả đối với người đại diện theo pháp luật của NSDLĐ là pháp nhân. Theo Luật BHXH sửa đổi thì điều này sẽ được Chính phủ ban hành hướng dẫn chi tiết.
4.5 Bổ sung chế độ trợ cấp hưu trí xã hội
Dự thảo LBHXH bổ sung hẳn một chương để quy định về chế độ trợ cấp hưu trí xã hội. Theo đó, cá nhân nào từ đủ 80 tuổi trở lên và không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Riêng đối với NLĐ không đủ điều kiện hưởng lương hưu và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì có quyền hưởng trợ cấp hằng tháng trong khoảng thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Mức hưởng trợ cấp hằng tháng tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương đóng BHXH trước đó nhưng ít nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội. Trong thời gian hưởng trợ cấp, NLĐ vẫn được hưởng bảo hiểm y tế.
4.6 Giảm số năm đóng BHXH và tăng số tuổi được hưởng chế độ hưu trí
Số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí giảm từ 20 năm xuống 15 năm. Theo đó, NLĐ đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí khi đã đóng đủ 15 năm BHXH và đủ tuổi hưởng chế độ hưu trí. Tuy nhiên, tuổi nghỉ hưu theo Dự thảo LBHXH lại tăng theo lộ trình để thống nhất với Bộ luật Lao động năm 2019. Cụ thể, tuổi nghỉ hưu đối với nam là đủ 61 tuổi 3 tháng và nữ là đủ 56 tuổi 8 tháng; mỗi năm sau đó, tuổi hưởng lương hưu tăng thêm 3 tháng với nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và thêm 4 tháng với nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.
4.7 Đề xuất 02 phương án đối với việc hưởng BHXH một lần đối với trường hợp NLĐ ngừng tham gia BHXH từ 12 tháng
Phương án 1. Giữ nguyên quy định hiện hành, theo đó NLĐ được hưởng bảo hiểm xã hội một lần sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm.
Phương án 2. Mức hưởng tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để sau này NLĐ hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu.
4.8 Bổ sung phương án về cách tính trợ cấp một lần khi nghỉ hưu
Dự thảo LBHXH bổ sung phương án 02, theo đó quy định trường hợp NLĐ đã đủ điều kiện hưởng lương hưu mà vẫn tiếp tục đóng BHXH thì mỗi năm đóng BHXH sau độ tuổi nghỉ hưu cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, mức trợ cấp một lấn được tính bằng 02 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.
4.9 Các chế độ BHXH khác
Dự thảo LBHXH bổ sung chế độ thai sản và bảo hiểm tai nạn lao động vào các loại BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, Dự thảo LBHXH còn điều chỉnh một số nội dung về chế độ ốm đau, chế độ thai sản, chế độ tử tuất theo hướng thống nhất với hệ thống pháp luật và để phù hợp hơn với thực tiễn áp dụng.
Tải bản tin về máy
Cập nhật thông tin
Đăng ký cổng Cập nhật Thuế và Pháp luật của KPMG để nhận thông tin mới nhất về hòm thư của quý vị
Đăng ký tại đây Opens in a new window