1. Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023
- Sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh như sau:
i. Việc cấp giấy phép hành nghề sẽ căn cứ vào chức danh chuyên môn thay vì văn bằng chuyên môn như trước đây;
ii. Việc cấp giấy phép hành nghề sẽ được thực hiện theo phương thức đánh giá bài kiểm giá đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thay vì việc chỉ xét duyệt hồ sơ;
iii. Quy định thời hạn của giấy phép hành nghề là 5 năm và việc cập nhật kiến thức y khoa là một trong các điều kiện để gia hạn giấy phép hành nghề;
iv. Quy định một số trường hợp cụ thể cho phép người nước ngoài hành nghề hành nghề tại Việt Nam được sử dụng ngôn ngữ khác tiếng Việt trong khám bệnh, chữa bệnh.
- Sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trong đó:
i. Quy định cụ thể hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó, hệ thống này là hệ thống cơ sở dữ liệu chung do Bộ Y tế thống nhất, tập trung quản lý, được xây dựng nhằm hỗ trợ cho việc quản lý của Bộ Y tế thông qua việc quy định các đối tượng có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin theo luật định lên hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh;
ii. Bổ sung quy định về nghĩa vụ bắt buộc đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong việc tự đánh giá chất lượng khám bệnh, chữa bệnh theo bộ tiêu chuẩn chất lượng do Bộ Y tế ban hành định kỳ hàng năm và cập nhật kết quả tự đánh giá lên hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh;
iii. Bổ sung các quy định về trách nhiệm công khai thông tin của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
- Sửa đổi, bổ sung các quy định về các điều kiện bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh, trong đó:
i. Sửa đổi quy định về hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, thay đổi từ 04 tuyến gắn với tuyến hành chính sang 03 cấp chuyên môn kỹ thuật với các nhiệm vụ khác nhau, bao gồm:
✓ Cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu;
✓ Cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản; và
✓ Cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu
Theo đó, việc chuyển đổi sang các cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm tính liên tục, liên thông trong cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo tình trạng, mức độ bệnh và sẽ tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh;
ii. Bổ sung quy định về bảo đảm an ninh trật tự cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và an toàn cho người hành nghề và người khác làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trong đó, quy định trường hợp người bệnh, thân nhân của người bệnh hoặc người khác có hành vi gây mất trật tự công cộng, xâm phạm tính mạng, sức khỏe an toàn của người bệnh, người hành nghề, người khác làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, người ra vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được áp dụng biện pháp ngăn chặn và thông báo cho cơ quan công an;
iii. Bổ sung qua định cụ thể về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, theo đó chỉ rõ các yếu tố cấu thành giá vụ như chi phí nhân công, thuốc, hóa chất, chi phí khấu hao thiết bị y tế, chi phí quản lý như duy tu, bảo dưỡng thiết bị y tế… và giao Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định phương pháp định giá đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
- Quy định mới về Hội đồng Y khoa Quốc gia. Theo đó, đây sẽ là một tổ chức độc lập do Chính phủ thành lập với chức năng đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Cụ thể, Hội đồng này có nhiệm vụ xây dựng, ban hành bộ công cụ và tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; đồng thời, tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về kết quả kiểm tra đánh giá. Chính phủ sẽ quy định chi tiết cơ cấu tổ chức và hoạt động cho Hội đồng này.
- Quy định mới về xã hội hóa trong hoạt động khám, chữa bệnh. Theo đó, Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 cho phép các cơ sở khám chữa bệnh được phép sử dụng nguồn lực xã hội bao gồm nhưng không giới hạn bởi đầu tư và đầu tư theo hình thức công tư để thành lập cơ sở y tế tư nhân; được vay vốn, thuê mượn trang thiết bị y tế…
2. Quyết định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động
Ngày 16 tháng 01 năm 2023, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã ban hành Quyết định số 6696/QĐ-TLĐ về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng (“Quyết định 6696”). Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành với những nội dung đáng chú ý như sau:
- Quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng trong thời gian từ ngày 01 tháng 10 năm 2022 đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2023. Trong đó, các trường hợp đoàn viên, lao động bị ảnh hưởng được quy định bao gồm: (i) bị giảm thời gian làm việc, ngừng việc, (ii) tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, và (iii) bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
- Quy định về điều kiện được nhận hỗ trợ đối với từng trường hợp, cụ thể như sau:
i. Đối với trường hợp bị giảm thời gian làm việc, ngừng việc: Đoàn viên, người lao động phải đáp ứng đủ 03 điều kiện sau: (a) bị ảnh hưởng trong khoảng thời gian quy định, (b) thời gian bị ảnh hưởng từ 14 ngày trở lên, và (c) thu nhập thấp hơn hoặc bằng mức lương tối thiểu vùng.
ii. Đối với trường hợp bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương: Đoàn viên, người lao động phải đáp ứng đủ 02 điều kiện sau: (a) bị ảnh hưởng trong khoảng thời gian quy định, và (b) thời gian bị ảnh hưởng từ 30 ngày trở lên.
iii. Đối với trường hợp bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: Đoàn viên, người lao động đáp ứng đủ 02 điều kiện sau: (a) bị ảnh hưởng trong khoảng thời gian quy định (trừ các trường hợp thử việc không đạt yêu cầu, đơn phương chấm dứt hợp đồng, bị kỷ luật sa thải v..v), và (b) không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
- Quy định về mức hỗ trợ tiền đối với từng trường hợp, cụ thể như sau:
i. Đối với trường hợp bị giảm thời gian làm việc, ngừng việc: 1.000.000 đồng/người với đoàn viên hoặc phụ nữ trên 35 tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 6 tuổi; 700.000 đồng/người đối với người không phải đoàn viên.
ii. Đối với trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương: 2.000.000 đồng/người đối với đoàn viên hoặc phụ nữ trên 35 tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 6 tuổi; 1.400.000 đồng/người đối với người không phải đoàn viên.
iii. Đối với trường hợp bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: 3.000.000 đồng/người đối với đoàn viên hoặc phụ nữ trên 35 tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 6 tuổi; 2.100.000 đồng/người đối với người không phải đoàn viên.
3. Công văn trả lời của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư do tách doanh nghiệp
Ngày 17 tháng 01 năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Công văn số 432/BKHĐT-PC gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang nhằm phúc đáp công văn số 3014/SKHĐT-KTĐN ngày 25/10/2022 của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang đề nghị hướng dẫn thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư do tách doanh nghiệp (“Công văn 432”). Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra những ý kiến đáng chú ý sau:
- Về việc điều chỉnh dự án đầu tư do tách doanh nghiệp được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 51, khoản 2 Điều 51 và Khoản 4 Điều 51 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP:
i. Việc thực hiện điều chỉnh dự án đầu tư và nộp hồ sơ điều chỉnh dự án đầu tư sẽ được thực hiện sau khi:
✓ việc tách doanh nghiệp đã được thực hiện và hoàn thiện, tức là doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục tách doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp; và
✓ nhà đầu tư hoàn thành thủ tục tổ chức lại và xử lý tài sản, quyền, nghĩa vụ liên quan đến dự án đầu tư cũng như các thủ tục liên quan.
ii. Cơ quan có thẩm quyền sẽ đánh giá, xem xét việc điều chỉnh dự án đầu tư dựa trên:
✓ làm rõ mối quan hệ, cách thức chuyển quyền và nghĩa vụ về dự án của nhà đầu tư và doanh nghiệp được thành lập sau khi tách, dựa trên tài liệu các bên cung cấp;
✓ xem xét năng lực thực hiện dự án doanh nghiệp được thành lập sau khi tách và khả năng đáp ứng các điều kiện thực hiện dự án đầu tư.
- Doanh nghiệp được thành lập sau khi tách phải đủ năng lực thực hiện dự án theo đúng nội dung, mục tiêu, quy mô, tiến độ và các điều kiện khác quy định tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có liên quan, đồng thời phải đáp ứng điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực hoạt động của dự án đầu tư.
- Trong trường hợp việc chuyển giao dự án cho doanh nghiệp được tách làm phát sinh giao dịch chuyển nhượng dự án thì các bên phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục theo quy định tại Điều 46 Luật Đầu tư và Điều 48 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP.
Tải bản tin về máy
Cập nhật thông tin
Đăng ký cổng Cập nhật Thuế và Pháp luật của KPMG để nhận thông tin mới nhất về hòm thư của quý vị
Đăng ký tại đây Opens in a new window