Tiên phong áp dụng IFRS tại Việt Nam với ngành Dịch vụ Tài chính
Việc áp dụng IFRS yêu cầu các tổ chức tài chính có các chuyển đổi cần thiết về quy trình, hệ thống dữ liệu và các thay đổi về cách thức quản lý
Việc áp dụng IFRS yêu cầu các tổ chức tài chính có các chuyển đổi cần thiết về quy trình
Việc áp dụng IFRS yêu cầu các tổ chức tài chính có các chuyển đổi cần thiết về quy trình, hệ thống dữ liệu và các thay đổi về cách thức quản lý để có thể đánh giá tác động kinh tế và tài chính đối với các hoạt động chính xác hơn.
Ngày 16 tháng 3 năm 2020, Bộ Tài Chính đã ban hành Đề án áp dụng Chuẩn mực Báo cáo Tài chính (BCTC) tại Việt Nam bao gồm phương án và lộ trình áp dụng Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) theo Quyết định số 345/QĐ-BTC. Việc áp dụng IFRS tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ đưa các thông lệ về lập và trình bày báo cáo tài chính tại Việt Nam tiệm cận với chuẩn mực quốc tế. Theo lộ trình được phê duyệt, các công ty mẹ, tập đoàn kinh tế có quy mô lớn, các công ty đại chúng, niêm yết được áp dụng IFRS một cách tự nguyện từ năm 2022 và áp dụng bắt buộc từ năm 2025. Do đó, các tổ chức tín dụng và các tổ chức tài chính khác hầu hết thuộc đối tượng tiên phong áp dụng IFRS trong việc lập và trình bày BCTC.
Sự khác biệt lớn nhất giữa IFRS và các Chuẩn mực Kế toán Việt Nam, Chế độ Kế toán Việt Nam (VAS) tập trung chủ yếu ở nhóm các chuẩn mực về công cụ tài chính (IFRS 9, IAS 32 và IFRS 7) – nhóm chuẩn mực chi phối hầu hết các khoản mục trên báo cáo tài chính của các tổ chức tài chính. Đặc biệt, IFRS 9 đưa ra cách phân loại và ghi nhận mới đối với công cụ tài chính, khác hoàn toàn so với chuẩn mực cũ IAS 39 hay cách phân loại hiện tại theo VAS. Theo đó, cách phân loại mới đi sâu vào bản chất, đặc điểm của công cụ tài chính khi công cụ được phân loại và đo lường dựa trên mục đích nắm giữ và đặc tính dòng tiền phát sinh từ công cụ. Thêm vào đó, mô hình tổn thất tín dụng dự kiến (ECL) theo IFRS 9 đang có sự khác biệt tương đối lớn so với các quy định hiện hành của các tổ chức tài chính. Không giống như một số khoản dự phòng khác, ECL theo IFRS 9 cần phải được ghi nhận trước cả khi sự kiện về tổn thất xảy ra, đòi hỏi các tổ chức tài chính phải thiết kế và xây dựng mô hình để tính toán ECL dựa trên dữ liệu quá khứ, điều kiện hiện tại và bao gồm cả thông tin dự báo tương lai. Đây là một thách thức đối với các tổ chức tài chính về tính sẵn sàng và đầy đủ của dữ liệu, mức độ đảm bảo về nhân sự hiểu biết về mô hình và IFRS. Số liệu ECL theo IFRS 9 có thể dẫn tới những sự thay đổi đáng kể trên BCTC của tổ chức, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đồng thời, phản ánh rõ nét khẩu vị rủi ro và các chính sách quản lý rủi ro tín dụng của tổ chức. Các chuẩn mực khác cũng có thể ảnh hưởng theo nhiều chiều tới BCTC của tổ chức tài chính khi chuyển đổi từ VAS sang IFRS, đặc biệt là IFRS 13 – Giá trị hợp lý, IFRS 15 – Doanh thu với khách hàng, IFRS 16 – Thuê tài sản,… tùy thuộc quy mô tài sản, hiệu quả hoạt động, tình hình thị trường và các lựa chọn ghi nhận kế toán của tổ chức. Đồng thời, IFRS yêu cầu số lượng và chất lượng thuyết minh BCTC cần được nâng cao, đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trên BCTC.
Việc áp dụng IFRS yêu cầu các tổ chức tài chính có các chuyển đổi cần thiết về quy trình, hệ thống dữ liệu và các thay đổi về cách thức quản lý để có thể đánh giá tác động kinh tế và tài chính đối với các hoạt động của đơn vị chính xác hơn. Từ đó, các tổ chức tài chính có thể kịp thời đưa ra các quyết định và chính sách kinh doanh phù hợp. Thêm vào đó, việc áp dụng IFRS sẽ giúp cải thiện niềm tin của các nhà đầu tư đối với tổ chức tài chính khi áp dụng các thông lệ toàn cầu dựa trên định hướng của IFRS, giảm thiểu các khác biệt giữa các bên tham gia thị trường trên phạm vi quốc tế, giúp mở rộng quan hệ đầu tư với nước ngoài… Đồng thời, với trình độ công nghệ thông tin, mức độ lưu trữ thông tin dữ liệu hiện tại và các nguồn lực sẵn có của các tổ chức tài chính, cũng như tính minh bạch và sẵn sàng của các thông tin thị trường, các tổ chức tài chính tại Việt Nam có thể đối mặt với các thách thức không nhỏ trong quá trình chuyển đổi. Do đó, mặc dù áp dụng IFRS sớm trong giai đoạn 2022 – 2025 là một lựa chọn, các tổ chức tài chính nên có những bước chuẩn bị cần thiết, đảm bảo sẵn sàng về dữ liệu cũng như nguồn lực để triển khai IFRS một cách thành công.
Kết nối cùng chúng tôi
- Tìm địa điểm văn phòng kpmg.findOfficeLocations
- kpmg.emailUs
- Mạng Xã hội @ KPMG kpmg.socialMedia