Kì trước: Những khó khăn và thách thức trong quá trình chuyển đổi sang IFRS
Để hoàn thành báo cáo IFRS hoàn chỉnh vào 31/12/2023, bây giờ là thời điểm bắt đầu.
Tùy theo ngân sách đầu tư đối với chuyển đổi IFRS và mức độ sẵn sàng chuyển đổi, doanh nghiệp có các phương án chuyển đổi sau đây:
Giải pháp thủ công
Đây là phương pháp chuyển đổi dựa trên việc xác lập các mô hình tính toán thủ công (ví dụ: Excel, …) để tính toán các ảnh hưởng và lập các bút toán điều chỉnh để chuyển đổi sang báo cáo IFRS, dựa vào nhiều nguồn thông tin và các quy trình thu thập dữ liệu thủ công. Phương pháp này có thể triển khai nhanh chóng với chi phí thấp, ít tác động đến hệ thống thông tin của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, chi phí theo dõi, cập nhật mô hình tính toán và điều chỉnh dữ liệu cao, khả năng sai sót khi lập báo cáo tài chính lớn. Một số doanh nghiệp có thể dùng cách tiếp cận này như biện pháp ngắn hạn kết hợp với một kế hoạch chuyển đổi dài hạn.
Giải pháp kết hợp giữa thủ công và tự động hóa
Cách tiếp cận này dựa trên sự kết hợp giữa chuyển đổi thủ công và hỗ trợ của hệ thống tùy theo nhu cầu và sự sẵn sàng của đơn vị. Đây là biện pháp ngắn hạn trong lúc phát triển các giải pháp chuyển đổi một cách toàn diện theo kế hoạch dài hạn. Việc chuyển đổi được thực hiện theo kế hoạch cụ thể, với các dự đoán và kiểm soát chi phí phát sinh của toàn bộ kế hoạch chuyển đổi, cũng như quản lý các ảnh hưởng lên hoạt động và hệ thống CNTT. Phương pháp này hạn chế rủi ro sai sót trên báo cáo tài chính và tăng mức độ tin cậy của dữ liệu so với giải pháp thủ công.
Tuy nhiên, việc triển khai kết hợp thủ công và tự động hóa sẽ vẫn cần nhiều nguồn lực để thu thập dữ liệu, cũng như thời gian tương đối dài cho quá trình lập báo cáo IFRS mỗi kỳ.
Giải pháp tự động hóa
Khi áp dụng giải pháp tự động hóa các quy trình hoạt động kinh doanh, các biểu mẫu thu thập dữ liệu sẽ đáp ứng yêu cầu ghi nhận và trình bày theo IFRS từ khi các nghiệp vụ phát sinh, hạch toán kế toán IFRS sẽ được thực hiện ở mức độ nghiệp vụ chi tiết trên hệ thống. Giải pháp này cho phép thực hiện các mô hình tính toán và lập báo cáo IFRS tự động trên hệ thống, cũng như hỗ trợ những báo cáo khác như Báo cáo quản trị tài chính và hoạt động, báo cáo theo luật định khác, báo cáo thường niên…
Đây được đánh giá là giải pháp chuyển đổi dài hạn, nguồn lực đầu tư ban đầu cao, nhưng chi phí duy trì thấp, rút ngắn thời gian lập báo cáo IFRS cho từng kỳ và gia tăng mức độ tin cậy của thông tin. Vì vậy, triển khai IFRS tự động hóa là giải pháp ưu việt trong dài hạn.
Một ví dụ minh họa quá trình chuyển đổi IFRS theo phương án tự động hóa.
Một dự án chuyển đổi IFRS tự động hóa yêu cầu nhiều hơn trong việc lên kế hoạch và triển khai, cũng như sắp xếp nguồn nhân lực tham gia dự án. Để đảm bảo không ảnh hưởng đến công việc hoạt động kinh doanh hàng ngày của doanh nghiệp và sự thành công của dự án chuyển đổi, việc lựa chọn đối tác tư vấn hỗ trợ có đầy đủ kinh nghiệm và năng lực là yếu tố tiên quyết. Một đội ngũ tư vấn chuyển đổi IFRS gồm các chuyên gia CNTT, được dẫn dắt bởi các chuyên gia về IFRS sẽ đảm bảo giúp doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về thông tin và dữ liệu đầu vào cho hệ thống cũng như các mô hình tính toán. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần thực hiện hiệu chỉnh quy trình và các biểu mẫu báo cáo để thỏa mãn nhu cầu thông tin mới khi chuyển đổi sang IFRS. Vì vậy, một đội ngũ tư vấn chuyển đổi với sự tham gia của các chuyên gia tư vấn về quy trình sẽ giúp doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi sang IFRS một cách toàn diện hơn.
Tìm hiểu thêm về các case study chuyển đổi IFRS và các workshop về IFRS của KPMG Việt Nam tại đây.
Lâm Thị Ngọc Hảo
Thành viên Điều hành, Trưởng Bộ phận Tư vấn Chuyển đổi doanh nghiệp
KPMG Việt Nam
Kết nối cùng chúng tôi
- Tìm địa điểm văn phòng kpmg.findOfficeLocations
- kpmg.emailUs
- Mạng Xã hội @ KPMG kpmg.socialMedia