Kết quả khảo sát “Chuỗi cung ứng Việt Nam Cơ hội & Thách thức” thực hiện bởi KPMG Việt Nam
Trong bối cảnh các quốc gia không ngừng hội nhập và một thế giới đang phục hồi sau đại dịch Covid, việc đương đầu với những biến động là yếu tố sống còn đối với các doanh nghiệp để duy trì và phát triển. Đặc biệt là đối phó với các khủng hoảng và giải quyết thách thức để duy trì chuỗi cung ứng của doanh nghiệp. Các phương thức vận hành chuỗi cung ứng trong quá khứ đã không thể đáp ứng vận hành một cách tối ưu ở bối cảnh hiện tại. Do đó, các doanh nghiệp thành công là những tổ chức có khả năng thích ứng tốt với sự thay đổi liên tục và không ngừng cải tiến.
Khảo sát “Chuỗi cung ứng Việt Nam Cơ hội & Thách thức” thực hiện bởi các chuyên gia KPMG Việt Nam trong tháng 5 và tháng 6 năm 2021 với sự tham gia của các Giám đốc điều hành, Giám đốc/Trưởng phòng chuỗi cung ứng, mua sắm, sản xuất và những nhân sự chủ chốt trong doanh nghiệp từ các ngành nghề đa dạng, các doanh nghiệp tham gia có quy mô và mức độ trưởng thành khác nhau. Báo cáo này sẽ cung cấp những góc nhìn thực tế và đa chiều về thực trạng chuỗi cung ứng tại Việt Nam với những vấn đề chính: Những thách thức hiện tại của chuỗi cung ứng tại Việt Nam; Những sáng kiến đang được áp dụng và các rào cản tồn tại; Định hướng phát triển chính cho chuỗi cung ứng trong tương lai; Các doanh nghiệp đang kỳ vọng điều gì.
Qua khảo sát này, các chuyên gia của KPMG nhận thấy 67% các nhà quản trị chuỗi cung ứng quan tâm hàng đầu tới những rủi ro thị trường, ngoài ra việc thiếu tính kết nối giữa hoạt động chuỗi cung ứng và định hướng phát triển kinh doanh cũng như góc nhìn không toàn diện xuyên suốt chuỗi cung ứng là những thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải. Tuy nhiên, phần lớn các giải pháp được áp dụng để cảu thiện chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp tại mang tính phân tán hơn là các giải pháp tích hợp, và không phục vụ chuyển đổi toàn diện trong doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia từ KPMG, chi phí đầu tư cho các hoạt động chuyển đổi quy mô lớn tương đối cao là một trong những rào cản phổ biến nhất. Thêm vào đó, thời gian hoàn vốn kéo dài cũng là một trong những nguyên nhân khiến các khoản đầu tư lớn này trở nên kém hấp dẫn đối với ban lãnh đạo. Điều này thể hiện thông qua phần lớn các sáng kiến cải tiến được triển khai xuyên suốt chuỗi cung ứng là các giải pháp mang tính phân tán.
Đại diện cho Ban tài trợ dự án này, ông Nguyễn Tuấn Hồng Phúc, Thành viên điều hành, Tư vấn Chiến lược Khách hàng & Vận hành, KPMG Việt Nam nhấn mạnh: “Để đạt được khả năng vận hành linh hoạt và có năng lực ứng phó tốt hơn, các doanh nghiệp cần phải thay đổi từ cách vận hành và quản lý cục bộ hiện nay sang phương thức tích hợp mang tính kết nối tất cả các hoạt động bao gồm: Lập kế hoạch, Tìm nguồn cung, Sản xuất, Cung cấp; và đảm bảo các hoạt động này đều được định hướng nhất quán với nhu cầu phát triển kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi phải có những thay đổi căn bản trong mô hình vận hành chuỗi cung ứng, sự đầu tư vào công nghệ và chức năng chuyên trách về quản lý chuỗi cung ứng trong đội ngũ quản lý cấp cao của doanh nghiệp để có thể ra quyết định điều hành hiệu quả hơn.”
Là một đơn vị tư vấn, KPMG luôn mong muốn được đồng hành cùng những doanh nghiệp Việt Nam tạo ra những lợi ích lâu dài trong hoạt động quản lý vận hành chuỗi cung ứng để đáp ứng nhu cầu kinh doanh cũng như vượt qua những thách thức trên chặng đường hội nhập.
Kết nối với chúng tôi
Trần Thanh Tâm
Giám đốc, Khối Trị trường
KPMG Việt Nam
Nguyễn Thị Thu Tâm
Trưởng phòng, Marketing và Truyền thông
KPMG Việt Nam